Khi mới được thành lập, huyện Bảo Lâm thuộc huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng. Kinh tế nông nghiệp chiếm hơn 90% tỉ trọng nền kinh tế của huyện. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính độc canh, chủ yếu dựa vào 2 giống cây chủ lực là chè và cà phê nhưng hầu hết là các giống cây cũ, năng suất, chất lượng kém.
Sau 8 năm thành lập, nền nông nghiệp của Bảo Lâm bắt đầu chuyển mình khi quyết tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Từ năm 2011, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện "6 chương trình trọng tâm" và "5 công trình trọng điểm" nhằm hiện thực Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Từ chỗ chỉ độc canh 2 loại cây trồng là cà phê và chè, huyện Bảo Lâm đa dạng và xây dựng được nhiều thương hiệu cây ăn trái giá trị cao và được thị trường ưa chuộng là sầu riêng, mít thái, măng cụt, bơ cùng các vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đời sống người nông dân trên toàn huyện ngày càng nâng cao, vượt nghèo và bắt đầu sung túc.
Đến nay, 100% số xã trong huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Lộc An, xã Lộc Quảng, xã Lộc Ngãi. Bảo Lâm đang đẩy nhanh tiến độ để đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Toàn huyện có diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng với trên 9.000 ha; có 18 chuỗi liên kết giá trị được hình thành và phát triển; chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phát triển đa dạng với 30 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; giá trị sản xuất bình quân đạt 152 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài nông nghiệp, Bảo Lâm cũng là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về khai thác khoáng sản, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao đến đầu tư, phát triển.
Khai thác thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và sông ngòi, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất, phân phối điện. Công ty Bô xít nhôm sản xuất ổn định và vượt mức công suất trên 700.000 tấn/năm. Tập đoàn Khải Hưng đầu tư, phát triển nhiều dự án bất động sản thu hút người dân và nhà đầu tư đến với Bảo Lâm.
Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính huyện Bảo Lâm được xếp hạng tăng liền 7 bậc so với năm trước và đứng thứ 2/12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Trong thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 7%-8%. Xác định phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn với quốc phòng, an ninh.
Về nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững; chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, cà phê, sầu riêng, bơ Bảo Lâm là những sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường; tỉ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 20% trở lên.
Về công nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm Công nghiệp Lộc Thắng, Cụm Công nghiệp Lộc An và hoàn thiện thủ tục pháp lý, kêu gọi đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Bảo Lâm tại khu vực đất hoàn nguyên sau khai thác bô xít (700 ha).
Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đang triển khai sẽ là cơ hội để Bảo Lâm thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Bảo Lâm cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng lớn như du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa của cộng đồng, các buôn làng dân tộc; du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại những hồ chứa; du lịch tâm linh dựa vào thế mạnh về kiến trúc, tâm linh của hệ thống chùa chiền, nhà thờ; du lịch thám hiểm rừng, núi; du lịch canh nông tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như chè, cà phê, bơ, sầu riêng và các loại rau, hoa...
Bình luận (0)