Luật Công đoàn 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7. Tại Điều 21 quy định về các quyền của đoàn viên Công đoàn gồm có 12 khoản, tăng 5 khoản so với Luật Công đoàn 2012.
Trong đó gồm các quyền như: yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm; đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động; được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về Công đoàn, lao động, việc làm, BHXH, BHYT bảo hiểm thất nghiệp….

Đoàn viên tham gia hội thi tay nghề do LĐLĐ quận 11, TP HCM phối hợp tổ chức
Bên cạnh đó, đoàn viên được được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện; được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.
Đặc biệt có các nội dung mới như đoàn viên được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam; được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động Công đoàn…
Chị Đặng Thị Tuyết Trinh, công nhân Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) cho biết công nhân ngoại tỉnh, phải ở trọ với vô vàn khoản chi phí phát sinh. Vì vậy, chị rất mong chờ vào các thiết chế nhà ở xã hội của Công đoàn trong thời gian bên cạnh các hoạt động chăm lo thường niên để có cuộc sống ổn định hơn.
"Ngoài ra, người lao động cũng rất cần được hỗ trợ pháp lý cũng như các chương trình hỗ trợ nâng cao trình độ tay nghề để nâng thu nhập cho bản thân" - chị nói.
Bình luận (0)