icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp cần sự ổn định của chính sách

Văn Duẩn - Minh Chiến

Cùng với những cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết kế các quy định chính sách ổn định, lâu dài để kinh tế tư nhân phát triển

Sáng 16-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết (NQ) của QH về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (dự thảo NQ). Dự thảo NQ này nhằm cụ thể hóa NQ số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (NQ 68). Dự thảo sẽ được QH xem xét thông qua vào phiên họp sáng nay (17-5).

Cần gỡ nhiều điểm nghẽn

Theo đại biểu (ĐB) Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, doanh nghiệp (DN) tư nhân hiện nay có rất nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ mới phát triển được. NQ 68 của Bộ Chính trị không chỉ là bước đột phá, đổi mới tích cực và tiến bộ, mà còn tạo động lực thúc đẩy, khơi thông nguồn lực nội sinh đầy tiềm năng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, ông Hạ nhìn nhận một số quy định nêu tại dự thảo NQ "chưa đủ mạnh". DN rất cần sự ổn định của chính sách. DN mới khởi nghiệp thì rất khó khăn về mọi điều kiện nhưng chính sách lại không ổn định, liên tục thay đổi, chính sách phải 5 năm, 10 năm, 15 năm thậm chí dài hơn thì khởi nghiệp mới thành công.

"Bây giờ vừa đầu tư nguồn lực, các thứ thì chính sách lại thay đổi coi như lại quay về điểm xuất phát thì rất khó" - ông Hạ nói.

Doanh nghiệp cần sự ổn định của chính sách - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân đang có rất nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ mới phát triển được. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cho rằng không áp dụng hồi tố quy định bất lợi với DN là nguyên tắc chung của Bộ Luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức, không phải chính sách đặc thù, đặc biệt, vì vậy không cần ghi trong NQ này. Tương tự, đề nghị bỏ quy tắc bảo đảm suy đoán vô tội trong xử lý vi phạm, do đã quy định tại Hiến pháp, Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

ĐB Thủy đề nghị áp dụng NQ số 164/2024 của QH, cho phép thí điểm với các vụ án kinh tế tư nhân, để DN tư nhân đặt tiền bảo đảm gỡ phong tỏa tài sản và được tiếp tục khai thác tài sản đó.

Còn ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan thực thi công vụ để phát triển kinh tế tư nhân, tránh tình trạng xin - cho, trên bảo dưới không nghe". Khi NQ có nội dung này, DN làm việc với cơ quan thực thi công vụ sẽ thuận lợi hơn, sai bên nào thì bên đó chịu trách nhiệm.

ĐB Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) đề nghị nghiên cứu bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư, chỉ giữ lại chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục ngành nghề các ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện...

Phân định rõ trách nhiệm

Tại điều 5 dự thảo NQ đề xuất các nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đánh giá đây là nội dung các doanh nhân rất quan tâm, nhất là vấn đề làm rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, cũng như phân định giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính. Ông đề nghị Chính phủ nên rà soát lại toàn bộ những bộ luật, nghị định, thông tư liên quan, vì việc rà soát những quy định này là rất quan trọng với các doanh nhân.

Về mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2030, theo ông Ngân, cần có các giải pháp rất đặc biệt, trong đó có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên mô hình DN. Về chính sách hỗ trợ lãi suất, cần quy định rõ ràng hơn, để các ngân hàng có thể giải ngân, bởi thời gian qua có nhiều chính sách liên quan lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn nhưng thực thi không như kỳ vọng.

ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) đề nghị phải áp dụng theo thủ tục đầu tư rút gọn để xử lý nhanh các các thủ tục đầu tư cũng như đưa vốn vào trong nền kinh tế nhanh hơn.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, cần bổ sung các yêu cầu cụ thể cho hệ thống hậu kiểm, đồng thời cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực bắt buộc áp dụng tiền kiểm dựa trên mức độ rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, tránh tình trạng kiểm soát tràn lan hoặc thiếu chặt chẽ.

Bảo đảm chi đúng, chi trúng

Trong dự thảo NQ về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ đề xuất thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật.

Phụ lục dự thảo nêu rõ mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới; bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 20 tỉ đồng; luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỉ đồng; bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỉ đồng…; NQ thí điểm của QH là 7 tỉ đồng; NQ của QH là 4,5 tỉ đồng… Trong đó, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70% mức khoán chi; còn 30% dành cho khâu thẩm tra, thông qua.

Mức khoán cho xây dựng một nghị định của Chính phủ là từ 1,3 tỉ đến 2,4 tỉ đồng; NQ của Chính phủ là từ 530 triệu đến 630 triệu đồng…; mức khoán chi cho xây dựng mỗi thông tư là 550 triệu đồng; thông tư liên tịch là 600 triệu đồng…

Thảo luận, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn với việc những người làm trong công tác xây dựng pháp luật đã được hưởng các chế độ, chính sách thông thường, nay thêm mức khoán chi lớn như trên cần cân nhắc kỹ, bảo đảm chi đúng, chi trúng đối tượng.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng có tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở, là rào cản hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, DN nhưng xử lý trách nhiệm chưa thỏa đáng. Do đó, cần chế tài xử lý trách nhiệm cả hành chính và hình sự đối với người quyết định, người tham gia xây dựng pháp luật mà gây cản trở, tạo rào cản.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, giảm mức khoán chi cho phù hợp, tránh cao hơn so với mặt bằng chung cũng như tạo sự khác biệt với các công tác khác.

Hôm nay, 17-5, QH thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Biểu quyết thông qua 2 NQ của QH về: cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. 

Chọn 2 bộ trưởng trả lời chất vấn

Tổng Thư ký QH đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Các ĐB được đề nghị lựa chọn 2 trong số 3 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn. Nhóm thứ nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nhóm thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính; nhóm thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sau khi chốt danh sách, QH sẽ chất vấn các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 2 bộ trưởng. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền sẽ trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan công tác điều hành của Chính phủ. Dự kiến, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 1 ngày rưỡi, bắt đầu từ sáng 19 đến hết sáng 20-6.

Phạt tiền vi phạm giao thông: Tăng hay không?

Trong phiên thảo luận tổ chiều 16-5 về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐB Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đề nghị nâng mức phạt tiền vi phạm giao thông tối đa lên 200 triệu đồng, thay vì 75 triệu đồng như hiện nay.

Theo ĐB này, mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang thấp, chưa đủ sức răn đe, với mức phạt tối đa 75 triệu đồng, khiến tình trạng "nhờn luật", cố tình vi phạm luật trong bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Vì thế, đề nghị tăng mức phạt tối đa lên 200 triệu đồng, để tạo sức răn đe. Nhưng kèm với đó, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông, đây mới là biện pháp mang tính bền vững.

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng mức tiền phạt hành chính tối đa như hiện nay đã cao và đủ sức răn đe. Khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi" thì cần điều chỉnh mức phạt để phù hợp với thu nhập của họ. Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt lên 200 triệu đồng, bà Vân ví dụ ô tô điện hiện nay có xe chỉ hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức có hơn chục triệu đồng, nên tăng mức phạt tối đa lên 150-200 triệu đồng là không hợp lý.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng nếu tăng mức phạt lên cao quá, trong nhiều trường hợp, tài xế bán xe mới có tiền nộp phạt. Dù đồng ý mức phạt nghiêm để phòng ngừa, răn đe nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của người dân, có trường hợp tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe nên tài xế bỏ xe luôn. Hơn nữa, có những trường hợp xe là phương tiện lao động, sinh nhai của gia đình nên cần cân nhắc khi tăng mức phạt tối đa.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo