UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chuyển các sở, ngành liên quan, UBND TP Đà Lạt và Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm xem xét kiến nghị của Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm về việc xin hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, giải quyết, báo cáo đề xuất UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 30-3.
Tiêu thụ dưới mức đăng ký tối thiểu
Năm 2007, chính quyền tỉnh Lâm Đồng giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng, thống nhất chủ trương đầu tư nhà máy nước với công suất 15.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng.
Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm được thành lập, trong đó Công ty TNHH Hiệp Lực góp 70%, Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng góp 20% và ông Hoàng Quốc Dũng (đại diện Công đoàn Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng) góp 10%. Mục tiêu của doanh nghiệp (DN) là cấp nước sạch sinh hoạt cho KDLQG hồ Tuyền Lâm và cung cấp bổ sung nước sạch cho TP Đà Lạt.
Năm 2008, sau khi Công ty TNHH Hiệp Lực hoàn thành phần góp 70% xây dựng nhà máy cấp nước thì được Sở Xây dựng nghiệm thu cho phép hoạt động. Tuy nhiên, phần mạng lưới đường ống (tương đương 30%) không được thực hiện do Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng thay đổi chủ trương đầu tư và không góp vốn nữa. Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm phải cơ cấu lại thành viên để thực hiện phần việc này.
Theo ông Nguyễn Kim Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm, công suất của nhà máy là 15.000 m3/ngày đêm nhưng có thể đáp ứng 20.000 m3/ngày đêm trong dịp cao điểm. Về việc cấp nước cho các DN trong KDLQG hồ Tuyền Lâm, Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm có 2 nhánh đến các DN tiêu thụ. Đến nay chỉ có 4 DN đã ký hợp đồng, đấu nối nhưng tiêu thụ dưới mức đăng ký tối thiểu. Một số DN ký hợp đồng nhưng chưa xác định thời gian tiêu thụ nước hoặc chờ trình lãnh đạo xem xét hợp đồng hoặc chưa có phản hồi hợp đồng…
Trong khi đó, căn cứ quy hoạch số lượng nước sạch cung cấp cho KDLQG hồ Tuyền Lâm được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành và số lượng đăng ký nhu cầu sử dụng nước của các DN với Ban Quản lý KDLQG hồ Tuyền Lâm, nhu cầu khoảng 11.000 m3/ngày đêm. Thực tế hiện nay, con số chỉ đạt khoảng 200 m3/ngày đêm khiến nhà máy không thể hoạt động.
"Việc này còn do một số DN không dùng nước sạch công ty cung cấp mà cố tình khai thác nước từ hồ Tuyền Lâm hoặc đào giếng, gây thất thoát tài nguyên nước" - ông Thạch nói.
Chờ được hiệp thương giá bán
Về mục tiêu cấp nước bổ sung cho mạng lưới đường ống cấp nước của TP Đà Lạt, từ tháng 1-2022 đến tháng 6-2023, Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm đã cấp nước cho thành phố gần 2,2 triệu m3 nước sạch với mức giá 6.191 đồng/m3. Đây là mức giá mà Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng mua nước của một DN khác. UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chỉ đạo Sở Tài chính hiệp thương giá mua nước nhưng do trong thời gian dịch COVID-19, công ty chấp hành giữ nguyên mức giá theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Đến tháng 6-2023, Sở Tài chính đứng ra hiệp thương giá mua bán nước sạch giữa Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm với Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng nhưng Công ty TNHH Cấp thoát nước Lâm Đồng từ chối hiệp thương, chỉ chấp nhận mua nước sạch với giá cũ.
"Vì vậy, 2 công ty ngừng thực hiện hợp đồng mua bán nước sạch từ tháng 7-2023. Trong 18 tháng cấp nước cho TP Đà Lạt, chúng tôi phải chịu lỗ trên 4 tỉ đồng" - ông Nguyễn Kim Thạch cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Kim Thạch, Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm đề xuất lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục tổ chức hiệp thương giá bán nước sạch giữa công ty với Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng. Đồng thời, phổ biến cho các DN hiểu rõ quy định về sử dụng, biện pháp chế tài nếu DN cố tình vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước.
"Đang vào mùa khô, TP Đà Lạt đối diện nguy cơ thiếu nước sạch trong khi công ty đang dôi dư hàng chục ngàn mét khối nước sạch/ngày đêm. Đây là vấn đề chính quyền địa phương cần xem xét giải quyết. Dù nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động để chờ phương án giải quyết hợp tình, hợp lý" - ông Nguyễn Kim Thạch hy vọng.
Bình luận (0)