Xung quanh Thông tư 47 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 52 về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT), đại diện Cục TMĐT và Công nghệ thông tin khẳng định chỉ một số mạng xã hội mới phải đăng ký hoạt động.
Những sàn giao dịch phải đăng ký
Theo Thông tư 47, những mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau mới phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Đáng lưu ý, người bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, YouTube... không phải đăng ký với Bộ Công Thương. Chỉ các cá nhân bán hàng trên các mạng xã hội dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì mới phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)... cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, cần cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, quyền lợi người tiêu dùng… Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Giải thích thêm về vấn đề đóng thuế, đại diện Bộ Công Thương cho rằng trong Nghị định 52 có quy định người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật nhưng trong Thông tư 47 không quy định. Do đó, chỉ trường hợp mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế còn cá nhân bán hàng nhỏ lẻ qua các trang mạng cá nhân sẽ không phải nộp thuế.
Nhiều băn khoăn
Liên quan đến quy định người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, nhiều chủ sàn giao dịch TMĐT lớn tại TP HCM tỏ ra băn khoăn.
Chủ một sàn TMĐT lớn cho rằng hằng ngày, các trang TMĐT có hàng trăm ngàn giao dịch lớn nhỏ, người bán và người mua đa phần là “ảo”. Do đó, việc quản lý, kiểm soát để thu thuế là rất khó, trừ khi họ có đăng ký với cơ quan chức năng. “Có người lên các sàn giao dịch TMĐT đăng bán một sản phẩm sau vài phút là xong thì không biết tìm họ ở đâu để thu thuế. Hay có người lên rao bán một sản phẩm nhưng không bán được mà thu thuế thì thiệt thòi cho họ” - người này dẫn chứng.
Đại diện website TMĐT Phomua… nhận định đa phần giao dịch trên các website TMĐT là nhỏ lẻ, diễn ra nhanh chóng, nhiều người bán không đăng ký nên kiểm soát họ để thu thuế là rất khó.
Theo đại diện website TMĐT Memua… , nếu chỉ thu thuế người bán hàng trên các website TMĐT thì dễ dẫn đến việc họ chuyển sang kinh doanh trên mạng xã hội do không phải nộp thuế. Việc này có thể gây ra thiệt thòi cho các website TMĐT.
Không đăng ký bị phạt 40-60 triệu đồng
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với thương nhân, tổ chức có hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định.
Bình luận (0)