Miền Tây đang mùa lũ. Nước từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa với bao nhiêu là cá. Con nước nổi cũng là lúc thỏa sức rong ruổi xe máy trên con đường đê dọc biên giới, rồi trải nghiệm trên những chiếc xuồng ba lá ở đồng nước mênh mông…
An Giang vào mùa nước nổi, du khách có thêm lý do để đến miền đất thân thiện này. Đứng ở đâu cũng thấy nước. Ngay cả đứng trên núi của vùng Thất Sơn cũng thấy biển nước trắng xóa bao phủ. Nước nổi, An Giang được thêm mùa du lịch. Còn chúng tôi, những người con quê, được trở về với tuổi thơ xa lắm!
Tắm đồng như một chiếc vé trở về với tuổi thơ của thế hệ 8x trở về trước. Ảnh: DU MIÊN
Nước đầu nguồn đang vào đỉnh điểm mang nặng màu son của phù sa. Khi đỉnh điểm, nước chựng lại. Phù sa lắng xuống ruộng đồng, để lại một dòng nước trong vắt. Khi đó, cả cánh đồng biên giới mênh mông một màu như nước biển. Tắm đồng đã lắm, như một chuyến trở về với tuổi thơ.
Tắm sông, tắm cồn có vẻ nghe quen với người dân miền sông nước. Còn tắm đồng thì ít nơi có. Bởi đồng phải rộng, nước phải sâu, tắm mới đã. Vì thế, chỉ có những cánh đồng biên giới mới mang lại được cảm giác đó.
Đồng ngút ngàn. Nước trắng bờ. Nếu không có những hàng cây phía xa thì mặt nước rộng tới đường chân trời. Mùa nước nổi, đường biên giới không còn nữa. Thay vào đó là dòng Mê Công ào ạt tràn bờ. Nhìn có vẻ hiền hòa bởi nhưng con sóng nhỏ nhấp nhô, ì oạp vỗ mạn xuồng.
Nhưng lúc nổi gió hay có cơn dông đi qua, đồng nước trở nên hung hãn, nó có thể nhấn chìm cả xuồng ghe. Bởi thế, tắm đồng chỉ chọn những ngày nắng, tắm buổi trưa đến tầm ba giờ chiều. Mùa nước, càng về chiều càng dễ có dông.
Xe chạy tới đồng biên giới thì bỏ lại xe trên bờ. Tất cả cùng lên ghe, lái ra giữa đồng hơn cây số mới dừng lại. Giữa đồng nước mênh mông, cứ đùng đùng nhảy xuống đầy thích thú. Thuở nhỏ, hay ra giữa cầu kinh rồi đua nhau nhảy xuống nước, rồi mới bơi đua thêm một đoạn trước khi vào bờ. Mùa nước thì vui hơn. Lấy vài tay lưới chống xuồng ra đồng bủa xuống bắt cá, rồi lặn hụp cả buổi trên đồng mới về. Tuổi thơ đã qua lâu nhưng nhắc lại cứ như ngày hôm qua.
Bởi thế, dù bận rộn với cơm áo nhưng mùa nước nổi thì thể nào cũng ới nhau về biên giới tắm đồng mùa nước nổi. Mấy người bạn còn lại ở quê đón bạn bè về vui vẻ lắm. Cả đám kéo nhau ra đồng, giở lưới, giở nò bắt cá, cua ốc làm mồi. Chống xuồng loanh quanh hái thêm mớ rau muống phượt nước đêm qua, hái bông súng, điên điển, cù nèo…
Chừng nửa tiếng, đồ ăn đầy xuồng, đủ cho vài chục người. Ai khéo tay thì vào bếp. Còn lại cứ đùng đùng trên ruộng, tắm thỏa thích. Lớn hết rồi chứ gặp lại cảnh này thì cứ như con nít. Xô nhau la í ới. Lặn xuống kéo chân nhau. Chơi trò trồng chuối ngược. Đứng trên vai nhau rồi búng người lên khỏi mặt nước xem ai búng cao hơn. Chỉ có khác là hơi “lạ nước” nên ai cũng phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn.Chứ hồi nhỏ, tắm đồng thì cứ vô tư. Đứa nào cũng bơi như rái. Cây chuối đốn bỏ đó để đu bám khi cần nghỉ xả hơi.
Mùa nước nổi, tắm đồng biên giới đúng là một “đặc sản”. Chúng tôi thường bảo, nếu làm tour có mà hốt bạc. Vì nó thú vị gấp bội so với các tour tát mương bắt cá, một ngày làm nông dân mà các doanh nghiệp du lịch đang khai thác.
Tắm đồng, đâu chỉ đơn thuần là tắm. Mà còn trải nghiệm thú vị đúng nghĩa một cư dân miền sông nước. Trên hết đó là những hồn nhiên hết cỡ của tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x như ùa về. Bạn bè chúng tôi, có nhiều người không lớn lên ở vùng quê biên giới, nhưng được rủ về tắm đồng thì vô cùng thích thú.
Có người, cứ hễ mùa nước dù lớn hay nhỏ cũng hỏi thăm, năm nay có tắm đồng không chứ chẳng cần phải rủ. Để rồi, mùa nước kéo hết cả nhà tắm đồng. Chỉ cần chục người bạn cũ thì có đến vài chục nhân khẩu hẹn nhau về, nhốn nháo cả cánh đồng.
Hành trình từ phố về đồng biên giới là cả một chuỗi ngày tuổi thơ chạy qua hai bên đường. Nước tràn bờ đê. Điên điển nở vàng rực hai bên đường. Người ta phơi cá làm khô. Có những chỗ ngập sâu, gia súc, gia cầm đưa lên sát mép đường. Con nít cứ tíu tít đùa giỡn trên mặt nước hay ngồi câu cá ở hiên nhà.
Hiện thực cứ như những thước phim của tuổi thơ trôi. Thế nên, cứ mỗi mùa nước nổi, chúng tôi lại có một mùa trở về với tuổi thơ!
Bình luận (0)