Tháng Giêng hằng năm, Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) lại ra quân tổ chức kéo mẻ lưới đầu năm tại hồ Sông Mây. Hồ nằm trên địa phận xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai...
Đúng 5 giờ sáng 3-2 (nhằm mùng 10 tháng Giêng), gần 20 công nhân thuộc Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây bắt đầu tập trung ở bờ hồ với lưới, xuồng máy để chuẩn bị thu hoạch, mục tiêu của họ hôm nay phải kéo về hơn 1 tấn cá.
Mong ước bội thu
Buổi kéo cá khai trương năm nay do ông Nguyễn Dũng, Phó đội trưởng Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, có hơn 20 năm gắn bó với công việc đánh bắt trên hồ Sông Mây, làm chỉ huy.
Lưới cá đầy ắp đang được Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đưa vào bờ. Ảnh: Đ.Tùng.
Đứng trên bờ, ông Dũng nheo nheo đôi mắt để tìm luồng cá. Mặt nước hồ phẳng lặng chỉ gợn chút sóng khi có cơn gió hoặc cá quẫy đuôi nên mọi người đều im lặng để chờ quyết định của ông Dũng.
Khi xác định được luồng cá, 6 xuồng máy bắt đầu xuất phát từ cùng một hướng của bờ hồ để kéo lưới dần bao vây luồng cá. Trên xuồng, trong bờ, 18 công nhân dưới sự chỉ huy của ông Dũng cùng thả lưới, thả dây, khi luồng cá bị bao vây thì mới lùa dần lưới vào bờ. Tại vị trí chỉ huy trên bờ, ông Dũng thỉnh thoảng nhắc nhở các công nhân ở vị trí nào cần phải nhanh, mạnh tay hơn để lưới vào bờ đồng đều.
Ông Nguyễn Dũng tâm sự: “Mùa cá của chúng tôi tính từ ngày 1-7 năm nay đến ngày 30-6 năm sau và thời gian thu hoạch là từ tháng 11 đến tháng 6, thời gian còn lại là dưỡng cá. Thời điểm cuối năm 2019 đến nay vào sáng sớm trời lạnh nên anh em thu hoạch cực hơn những tháng sau...".
Các công nhân của Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây cùng nhau kéo lưới cá đầu năm nặng trĩu vào bờ.
"Chúng tôi thường hoàn thành công việc thu hoạch cá trước khi mặt trời ló dạng nên anh em gần như dầm nước lạnh suốt lúc kéo. Chưa kể nhiều lúc còn sương sớm trên mặt hồ nên phải xác định chính xác luồng cá lớn để kéo cũng rất khó, đòi hỏi người chỉ huy phải có kinh nghiệm để đỡ tốn công sức kéo của anh em”, ông Dũng cho hay.
Khác với những hồ cá tư nhân vốn có diện tích không lớn, công việc thu hoạch cũng không liên tục nên người làm công việc kéo cá bên ngoài chỉ thỉnh thoảng có chủ hồ gọi thì mới tập trung kéo.
Còn hồ Sông Mây có diện tích hơn 300 hécta, mỗi tuần Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây lại kéo cá 3-4 buổi, mỗi buổi từ 90-120 phút và đòi hỏi sản lượng phải đạt hơn 1 tấn, nếu không phải kéo thêm. Do đó, công nhân làm ở đây phải có sức khỏe tốt, dẻo dai.
Chia sẻ lý do gắn bó với công việc đánh bắt cá trên hồ Sông Mây, anh Nguyễn Đăng Khoa, công nhân Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây cho hay: “Năm nay, mức thưởng Tết của người lao động tại hồ dao động từ 7-9 triệu đồng, lương hằng tháng của công nhân cũng khoảng 7 triệu đồng nên thu nhập khá đều và ổn. Do đó, nhiều anh em sau khi xuất ngũ cũng xin ở lại làm việc chờ tìm việc mới hoặc có người gắn bó lâu dài vì phù hợp”.
Chinh phục những mục tiêu mới
Sau gần 2 tiếng đồng hồ bủa vây, giăng lưới, luồng cá đang dần được kéo vào bờ, lượng cá nhiều đến mức gần 20 thanh niên khỏe mạnh phải mất rất nhiều sức để đưa vào gần bờ rồi dùng trục quay đưa lưới vào.
Chỉ huy Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây theo dõi quá trình kéo mẻ cá đầu năm vào bờ.
Lúc này tiếng anh em công nhân dưới nước gọi nhau, tiếng chỉ huy trên bờ ra hiệu điều chỉnh hướng lưới cá khiến một góc hồ trở nên xôn xao, nhiều người dân quanh vùng cũng “ham vui” đến xem mẻ cá đầu năm.
Phía trong lưới đầy ắp các loại cá như: cá trôi, cá lóc, cá diêu hồng... đang được phân loại theo trọng lượng và đưa về khu vực tập trung để chờ thương lái đến thu mua các loại cá có trọng lượng trên dưới 1kg/con. Riêng các loại cá có trọng lượng dưới 800g/con sẽ được đội chế biến thành chả cá và được xuất đi các tỉnh.
Ông Nguyễn Dũng nhìn lượng cá vừa thu hoạch phấn khởi nói: “Lượng cá hôm nay trúng lớn, khả năng sẽ đạt gần 2 tấn. Hy vọng với lượng cá dồi dào thu hoạch được trong lần ra quân đánh bắt cá đầu năm này sẽ báo hiệu cho một năm mới bội thu”.
Mọi năm, sản lượng thu hoạch trung bình của hồ đạt khoảng 650 tấn (tính từ đầu tháng 7 năm trước đến cuối tháng 6 năm sau). Năm nay, theo Trung úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây dự kiến sẽ đạt khoảng 700 tấn và vươn ra chinh phục thêm thị trường tỉnh An Giang và TP.Cần Thơ với cá trôi và cá mè đã được hồ nuôi từ lâu.
Hiện nay, Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây cũng đang nuôi thử giống cá vồ đém (giống cá đặc thù của miền Tây) và diêu hồng. Đến nay, cá diêu hồng đã cho kết quả thu hoạch tốt, còn cá vồ đém mới thả từ tháng 10-2019 đang phát triển khá tốt.
Trung úy Lê Minh Tấn nói thêm: “Bên cạnh việc cung cấp cá cho bếp ăn một số đơn vị quân đội trong tỉnh, chúng tôi chủ yếu cung cấp cá cho một số thương lái quen tiếp cận các thị trường TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận. Năm ngoái, chúng tôi thử tiếp cận thị trường một số tỉnh miền Tây thì thấy có tiềm năng với cá trôi và cá mè nên năm nay chúng tôi sẽ “tấn công” mạnh vào thị trường mới này. Do 2 giống cá này không thích hợp với môi trường nước ở khu vực miền Tây mà thị trường lại có nhu cầu nên chúng tôi hướng đến miền Tây để mở rộng thị trường tiêu thụ hơn nữa”.
Không chỉ nuôi trồng thủy sản tăng gia sản xuất mà tại hồ Sông Mây, Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây còn liên kết với các trường đại học có chuyên ngành về thủy sản để nghiên cứu thực tế việc nuôi trồng để tìm ra phương pháp chăm sóc cá tốt, ít bệnh.
Mùa hè cũng có nhiều tốp sinh viên đến thực tập, tìm hiểu thực tế công việc tại hồ, đây là môi trường tốt để người lao động và sinh viên trao đổi kiến thức giữa thực tế và sách vở, qua đó tăng hiệu quả nuôi trồng tại hồ.
Bình luận (0)