Cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Huỳnh Hai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) không còn theo con cháu ra khơi đánh bắt hải sản. Nghề “theo đuôi con cá” thấm vào máu thịt ông từ thời còn thanh xuân nên khi “giã từ”, ông cảm thấy bùi ngùi.
“Nghề chỉ có lời”
Từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày, ông Hai thường ra bãi biển tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành từ biển. Những lúc như thế, ông thường hoài niệm về nghề truyền thống cha ông và có cơ hội dõi theo lứa con cháu trong làng xuôi mái chèo đánh bắt cá tôm vùng lộng, hay bắt đầu cuộc hành trình vươn khơi bám biển.
Mỗi kg cá dói tươi có giá 150 ngàn đồng.
Cứ mỗi lần chứng kiến thuyền vươn khơi, hay trở về bờ, ông Hai lại nhớ da diết cái nghề từng gắn bó một thời vì cuộc sống mưu sinh, nuôi con ăn học. “Cái sự nhớ” đó đã thôi thúc ông tìm mọi cách trở lại với nghề biển phù hợp sức khỏe tuổi già. Vậy là, nghề câu cá ven bờ “vô tình bén duyên”, không chỉ giúp ông đỡ nhớ biển mà còn thư giãn, kiếm tiền tiêu hằng ngày.
Ngày ngày, từ lúc ánh mặt trời tỏ rạng, ông Hai bắt đầu lội biển câu cá dói (còn gọi cá xương xanh). Ông Hai cho rằng, vùng biển gần bờ ở Hải Dương có nhiều loài cá như ong, đối, kình, nục, đục…
Cá dói còn được nhiều người dân vùng biển ưa chuộng vì thịt thơm ngon, ít xương nên bán được giá. Trừ những ngày biển động, hầu như ngày nào các “cần thủ” cũng có thể kiếm được một vài kg, những ngày “trúng đậm” 4-5 kg. Giá thị trường hiện nay mỗi kg cá dói tươi chừng 150 ngàn đồng, cá phơi khô 350-400 ngàn đồng. Lớp trẻ hay những người cao tuổi như ông Hai đều có thể câu cá ven bờ, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng trở lên.
Không hẳn người dân Hải Dương chỉ toàn câu cá dói mà còn câu các loại cá ong, đối, kình, đục... Những khi biển mất mùa, hay đánh bắt trung bờ kém hiệu quả, nhiều ngư dân ở Hải Dương nói riêng, các vùng biển trên địa bàn tỉnh nói chung chuyển sang nghề câu cá ven bờ. Khác với cá dói, câu các loại cá ong, đối, kình, đục… phải kiên trì cả buổi, thậm chí cả ngày. Người câu cá có kinh nghiệm thường biết chọn những vùng nước, lúc nước lớn, nước ròng, lúc nào nhiều cá, thời điểm nào sẽ có các loại cá nào để móc các loại mồi, sử dụng loại câu phù hợp…
Thành quả.
“Nói nghề cho “oai” rứa thôi! Chứ câu cá ven bờ đơn giản lắm! Chỉ cần một cần câu bằng tre, hoặc cần nhân tạo dài chừng 4-5 mét, thêm một ít lưỡi câu, một ống câu, ròng rọc… Chi phí mua sắm bộ nghề câu cá ven bờ chỉ chừng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Một bộ nghề có thể sử dụng vài năm mới thay. Chi phí cho mỗi chuyến đi câu cũng không đáng kể, tùy thuộc vào từng loại cá để chọn loại mồi thích hợp như mực, giun, thịt cá, thịt lợn… Thế nên, mỗi chuyến câu cá ven bờ chẳng ai lỗ cả mà chỉ có lời”, ông Huỳnh Thân (xã Hải Dương) cười tươi.
“Sóng to không lo đói”
“Biển giả” là câu cửa miệng của nhiều ngư dân vùng biển bởi biển thất thường, không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá. Có những lúc khoang đầy ắp cá, có lúc rong ruổi suốt ngày trên biển cũng chỉ mang về những con cá, con tôm còm cõi. Chưa kể những tháng ngày biển động, thuyền nằm bờ không có nguồn thu nhập trang trải đời sống, nuôi con ăn học luôn là nỗi ám ảnh đối với ngư dân.
Trong cuộc mưu sinh muôn vàn khó khăn khi suốt ngày “ngồi chơi xơi nước” vì biển động, ngư dân đã tìm kế mưu sinh bằng nghề câu cá ven bờ. Câu cá ven bờ mùa biển động có lẽ bắt đầu từ đó, tuy thu nhập không cao nhưng ngư dân có nguồn thu nhập trang trải đời sống trong những ngày nhàn rỗi, ít ra cũng có nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày.
Ngư dân Hải Dương lội biển câu cá khi mặt trời vừa tỏ rạng.
Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) được nhiều người dân địa phương “gán” cho cái danh “người đa năng”, bởi bất cứ việc gì có thu nhập chân chính ông đều có thể làm được, từ phụ hồ, bốc vác đến thợ xây, đánh bắt xa bờ… Tuy nhiên, theo ông Hòa nghề nào cũng thu nhập khá bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết nên cuộc sống thiếu ổn định.
“Nghề thợ xây, phụ hồ, hay đánh cá… cũng đều phải tạm ngưng khi trời mưa gió, biển động. Có lẽ với tui cũng như nhiều ngư dân những lúc như thế chỉ còn nghề duy nhất là câu cá ven bờ để kiếm thu nhập trang trải đời sống hằng ngày. Nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ những ngày trời yên biển lặng mới có cá, nhưng “sự nghĩ ấy” hoàn toàn ngược lại khi biển động, môi trường thay đổi thì nhiều loài cá bơi vào gần bờ trú ngụ, tìm kiếm thức ăn”, ông Hòa giải thích.
Mùa biển động thường nhiều loại hải sản vào bờ nên ở các vùng ven biển còn có nghề “chạy vét”, bủa cá buôi, cá hanh. Nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng vì phải bơi ra xa cách bờ chừng 100 mét để thả lưới trong lúc sóng to, nước chảy mạnh, xoáy sâu. Một số vùng biển, như xã Phong Hải từng xảy ra vài vụ chết đuối khi làm nghề bủa cá buôi mùa biển động. Vì thế, câu cá ven bờ được xem là cứu cánh, an toàn và phù hợp với ngư dân mùa biển động.
Tuy thế, ngày biển động, sóng thường đánh mạnh, nước xoáy nên các lưỡi câu thường bị “búi” (rối), mất nhiều thời gian gỡ. Vì vậy, số lượt câu cá câu được chỉ bằng một nửa so với ngày trời yên biển lặng. Nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao hơn vì có các loại cá có giá trị cao như cá ong, hanh, buôi, đối; trong khi mùa hè chủ yếu cá nục, đục, móm... Những “cần thủ” có kinh nghiệm, kiên trì như ông Hòa, mỗi ngày câu vài kg là chuyện thường.
Bình luận (0)