Nằm bên dòng sông Hậu, bến Ô Môi (phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn ngày ngày rộn ràng tiếng mái chèo khua nước, tiếng máy nổ xình xịch... chở khách sang sông. Bất kể nắng hay mưa, ở bến Ô Môi vẫn không vắng bóng những người phụ nữ làm nghề đưa đò. Họ làm bạn với chiếc đò, dù được niềm vui tự do lướt mái chèo trên sông nước nhưng cuộc đời của những phận má hồng cũng lắm gian truân...
Lênh đênh với sóng nước
Quê ở TP. Châu Đốc, chị Nguyễn Thị Phượng đã về bến Ô Môi trên 30 năm, được mọi người gọi thân mật là chị Tám "đò". Con cái lớn, riêng tư hết, chồng hay bệnh nên công việc lái đò của chị Tám được xem như là kinh tế chính trong gia đình. Khi được hỏi sao có nhiều nghề đỡ cực hơn không chọn mà lại chọn nghề đưa đò, chị Tám cười nói: "Mình không có vốn liếng, muốn làm ăn cũng khó, tiền tích góp chỉ đủ mua được chiếc đò chạy đưa khách, chở hàng tới lui. Nghề này, sống riết rồi quen, biết là cực mà bỏ không được".
Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng là chị Tám "đò" đã có mặt ở bến Ô Môi. Ai mướn chạy đâu cũng chạy, hễ thấy có lời là đi. Chở khách qua Cù lao Ông Hổ, cồn Phó Ba, chợ nổi Mỹ Phước... chị Tám còn nhận chở thêm hàng hóa, trái cây. Tính ra, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 150.000-200.000 đồng. Hôm nào nhận chở hàng hóa, trái cây thì được nhiều hơn. "Bữa nào gặp những đoàn khách tham quan thì đỡ hơn, khách sộp là họ cho thêm, mừng lắm"- chị Tám chia sẻ.
Những chuyến đò đưa khách trên bến Ô Môi
Cô Nguyễn Thị Lùn, nhà ở cồn Phó Ba, cũng có trên 30 năm làm nghề lái đò ở bến Ô Môi. "Trước đây chỉ là xuồng chèo. Lúc đó cực lắm, giờ sắm được cái máy thì đỡ hơn. Sống với nghề lái đò trên sông nước mấy chục năm rồi nên ai cũng hiểu, cực và nguy hiểm nhất là lúc trời mưa gió hay vào mùa nước nổi. Sợ nhất vẫn là lúc đang chạy giữa sông mà gặp giông gió, phải nhanh chóng nương sóng vô bờ" - cô Lùn bộc bạch. Biết làm ăn, cô Lùn cùng chồng kết nối với một số công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, khi khách đến bến Ô Môi là nhận chở đi tham quan chợ nổi Long Xuyên, Khu lưu niệm Bác Tôn, bè cá... Nếu đoàn có hướng dẫn viên thì thôi, còn đoàn nào không có thì cô Lùn, chị Tám "đò" kiêm luôn. "Giới thiệu quê hương mình mà, rành lắm nên khách họ cũng thích, xong chuyến đi có khi lại được cho thêm tiền" - cô Lùn cho hay.
Những chuyến đò chèo
Hiện nay, ở bến Ô Môi vẫn còn khoảng 5-6 chiếc xuồng chèo chở khách qua lại, từ bến Ô Môi qua bờ khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình). Bà Trương Thị Bổn, năm nay đã 73 tuổi, gắn với nghề chèo đò đưa khách ở bến Ô Môi từ hồi còn con gái, đến nay cũng trên 50 năm. Mỗi ngày bà Bổn kiếm được vài chục ngàn đồng, đủ chi phí cho bản thân. "Chồng mất, tôi ở một mình, con cái đi làm ăn xa, lâu lâu về cho vài trăm ngàn nên phải bám lấy nghề chèo đò này mà sống. Nghề này không có dư, đủ sống vậy hà nhưng mà bệnh là thiếu. Đó là chưa kể, lúc xuồng hư phải tốn tiền trét lại" - bà Bổn tâm sự.
Còn bà Huỳnh Thị Bảnh (61 tuổi) theo cha mẹ, chèo đò cũng ngót 40 năm. Chồng mất sớm, nhờ đưa đò mà bà Bảnh nuôi được 7 người con, có lúc cũng túng thiếu. "Vì dùng sức chèo, nên những lúc nước chảy xiết, mưa gió là cực lắm, vậy chứ ở nhà một ngày là không chịu nổi, bứt rứt lắm, vừa không có tiền mà còn buồn nữa" - bà Bảnh chia sẻ.
Những người phụ nữ sống với nghề chèo đò đưa khách dường như đã quen với nghề, mấy chục năm cầm đôi chèo nên đôi bàn tay của bà Bảnh, bà Bổn cũng đã thô ráp, chai sần. "Chị em chèo đò ở đây nghèo thiệt nhưng sống lạc quan, kiếm tiền từ chính sức lao động của mình nên thấy thoải mái, ngày nào sống ngày đó vậy mà vui" - bà Bổn thiệt tình.
Bình luận (0)