Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Long An đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch CCHC năm 2023 để tập trung lãnh đạo, điều hành.
Sắp hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Long An đã tổ chức thực hiện hoàn thành 33/38 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 86,84% theo kế hoạch (14 nhiệm vụ hoàn thành 100%, 19 nhiệm vụ hoàn thành theo phân kỳ), 5 nhiệm vụ còn lại tiếp tục thực hiện theo tiến độ đề ra.
Quang cảnh hội nghị sơ kết đánh giá công tác cải cách hành chính trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Long An
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong 9 tháng đầu năm 2023, Long An ban hành 48 quyết định công bố 694 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 15 cơ quan, đơn vị.
Tính đến nay, số lượng thủ tục được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Long An là 1.798 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh là 1.384 TTHC; cấp huyện là 195 TTHC; cấp xã là 97 TTHC; thực hiện tại nhiều cấp là 53 TTHC, TTHC của cơ quan hành chính nhà nước thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh được đưa vào Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp xã là 69 TTHC.
Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản để tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.
Hiện tại, có trên 102.400 lượt người dùng truy cập, tải về sử dụng ứng dụng Long An số; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 99,7%; có 570/587 dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 97,10%); có 312.085/328.813 hồ sơ nộp trực tuyến (đạt 94,91%).
Đồng thời, Long An duy trì khai thác dữ liệu đã được đưa vào Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh (với khoảng 226 bộ dữ liệu gồm 102 bộ dữ liệu thuộc tính, 124 bộ dữ liệu chứa thông tin địa lý) thông qua Trung tâm điều hành thông minh (IOC), ứng dụng "Long An IOC" phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; triển khai kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết TTHC; triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (186/186 cơ sở y tế)…
Tại hội nghị sơ kết đánh giá công tác CCHC trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn, đại diện các sở, ngành, địa phương trao đổi tập trung vào các nguyên nhân hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu chủ trì tại hội nghị, ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh - nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò người đứng đầu trong thực hiện CCHC tại cơ quan, đơn vị; phải xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu chủ động linh hoạt, sáng tạo.
Ông Phạm Tấn Hòa đề nghị thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, phải khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại, như: kiểm tra chấn chỉnh thực thi công vụ; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở ngành, đơn vị; đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục.
Chấn chỉnh tình trạng tạm dừng hồ sơ; trả hồ sơ, xử lý hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử trên hệ thống một cửa điện tử phải đồng bộ; tiếp nhận hồ sơ TTHC đúng và đủ, không thừa, không thiếu; nhanh chóng xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tổ chức; rà soát đề xuất các phương án tiếp tục đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, chuyển đổi số…
Quyết giữ vững vị trí tốp 10 về PAR Index
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Long An, để quyết tâm giữ vững vị trí trong tốp 10 về PAR Index (chỉ số cải cách hành chính) năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao PAR Index năm 2022. Qua đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện và nâng cao điểm số xác định PAR Index trên tất cả lĩnh vực theo Bộ Chỉ số do Bộ Nội vụ ban hành.
UBND tỉnh Long An còn yêu cầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai xác định PAR Index; tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trả hồ sơ bổ sung nhiều lần gây phiền hà cho người dân, tổ chức, tình trạng thành phần hồ sơ, thu phí, lệ phí không đúng quy định...
Bình luận (0)