Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, để tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh và thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đề ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 60,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Long An đặc biệt ưu tiên tái cơ cấu các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực như dệt - may, da - giày, cơ khí chế tạo. Ảnh: Internet
Đại hội đưa ra những chủ trương, định hướng, giải pháp mang tính chiến lược như: tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, các dự án nước sạch, năng lượng sạch, điện khí hóa lỏng; phấn đấu thành lập một khu công nghiệp chuyên thu hút đầu tư các ngành nghề công nghiệp hỗ trợ.
Quan tâm kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường đối thoại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp. Tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các thông tin về quy hoạch, dự án đầu tư, đất đai, chính sách ưu đãi, tài chính, tín dụng,…
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 8-1-2021) và kế hoạch, chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương tỉnh Long An giai đoạn đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể về tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Theo đó, xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững môi trường và giảm thâm dụng lao động.
Hình thành các khu, cụm công nghiệp chất lượng cao để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế có khả năng xuất khẩu, liên kết hình thành chuỗi phát triển công nghiệp.
Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng và phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện.
Phấn đấu đến năm 2030: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 46% - 48%; Tỷ trọng công nghiệp năng lượng trong GRDP đạt khoảng 11%; Tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1% - 1,5%/năm.
Theo bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, định hướng thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh sẽ tập vào các nhiệm vụ, như: Tăng cường ứng dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp có tiềm năng và lợi thế như: Sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; thực phẩm chế biến; hình thành một số cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu vùng Đồng Tháp Mười nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm điện tử.
Long An ưu tiên hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại Cảng quốc tế Long An
Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hình thành mới vùng công nghiệp tập trung tại đô thị Bến Lức; phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến tại phía Bắc huyện Đức Hòa; Hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại Cảng quốc tế Long An (Cần Giuộc, Cần Đước); Hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An (Kiến Tường).
Đặc biệt, ưu tiên vào các ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực (dệt - may, da - giày, cơ khí chế tạo), ngành phát triển khi có cơ hội (điện tử - tin học) và các lĩnh vực có liên quan (bao bì, nhựa). Khuyến khích các ngành công nghiệp phù hợp với chính sách của tỉnh...
3 giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp
Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian, chi phí trong thực hiện; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm chủ động, tránh gây gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, cơ cấu lại danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên giai đoạn đến năm 2030 để bố trí nguồn lực đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả phương án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh thời kỳ năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hoá; chính sách về khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp địa phương về đầu tư, thị trường, xúc tiến thương mại.
Đề xuất nâng cấp phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghiệp - thương mại nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của ngành công thương; xây dựng, nâng cấp mạng lưới, cổng thông tin về các tổ chức và chuyên gia tư vấn phát triển công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất.
Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế quản lý cụm công nghiệp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khu, cụm trên địa bàn tỉnh và xử lý tốt các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu trong ngành công nghiệp.
Bình luận (0)