Theo báo cáo của Tỉnh ủy Long An về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", sau 10 năm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện, nền giáo dục và đào tạo tỉnh nhà có những chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì
Theo đó, đối với giáo dục mầm non: Toàn tỉnh có 215 cơ sở giáo dục mầm non, 331 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Có 100% cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.
Về giáo dục phổ thông, đã xây dựng mô hình giáo dục đạo đức kỹ năng sống, tình yêu quê hương, gia đìn; học kỳ quân đội, các chuyên đề học làm người con hiếu thảo, mô hình sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông…
Công tác giảng dạy đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với mỗi giáo viên ở tỉnh Long An. Ảnh: Báo Long An
Công tác dạy và học ngoại ngữ được quan tâm, số lượng trung tâm ngoại ngữ phục vụ nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên về ngoại ngữ ngày càng gia tăng.
Về giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, xã hội hóa ngày càng hiệu quả. Phương pháp, chương trình, giáo dục đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt…
Hiện nay, trong mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có Trường Cao đẳng Long An đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Về giáo dục hướng nghiệp: Để thực hiện tốt công tác phân luồng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đến các trường THCS để tư vấn công tác tuyển sinh, nhằm giúp các em học sinh có định hướng và lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp.
Về đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian qua, công tác quản lý đội ngũ trong ngành giáo dục và đào tạo có sự đổi mới, cải tiến, phát huy sự năng động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Toàn ngành giáo dục tăng cường phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà trường; thực hiện kế hoạch năm học và kế hoạch ngân sách năm của các trường trực thuộc.
Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thông và thành thị được thu hẹp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý và dạy học.
Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra được ngành giáo dục tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, tạo điều kiện cho các đơn vị, trường học nâng cao trách nhiệm giải trình của mình trong quá trình thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định.
Về đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo: Tỉnh đã triển khai 79 chương trình, kế hoạch, đề án sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2023 với tổng số vốn trên 7.300 tỉ đồng.
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, các nhà đầu tư đã quan tâm tài trợ xây mới nhiều trường học trong tỉnh.
Theo Tỉnh ủy Long An, tuy chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương; điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở một số trường vùng sâu còn khó khăn; kết quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đạt yêu cầu đề ra, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT vẫn còn hạn chế.
Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; số lượng người làm việc được giao chưa có cơ cấu phù hợp với các môn học, giáo viên phải dạy chéo các môn nên nhiều giáo viên chưa thật sự yên tâm công tác.
Cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sẽ tạo nền tảng phát triển giáo dục bền vững. Ảnh: Báo Long An
Phát biểu tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, yêu cầu cần tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW; vận dụng đưa những quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo để thực hiện; đặc biệt, trong triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết tâm, thực chất, chống bệnh hình thức, thành tích, không cầu toàn, cũng không nóng vội.
Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện; tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; có chính sách thu hút và tạo chuyển biến cơ bản về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…
Bình luận (0)