Tỉnh Long An nằm liền kề TP HCM, là cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, đầu tàu kinh tế vùng ĐBSCL. Tại tỉnh có nhiều khu cụm công nghiệp, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương giáp TP HCM như Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa, TP Tân An.
Từ thực tế này, tỉnh Long An luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trường Trung học Phổ thông Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Long An là thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nhất là các địa phương có nhiều khu cụm công nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều ngôi trường khang trang hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được xây dựng như Trường Trung học Cơ sở Trương Minh Bạch, Trường Trung học Phổ thông Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa); Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức); Trường Trung học Phổ thông Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường).
Để có được những ngôi trường khang trang, hiện đại như vậy, tỉnh Long An quan tâm chú trọng thu hút được nguồn lực, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; trong đó, với sự đồng hành của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhiều nhà tài trợ đã hỗ trợ xây dựng những ngôi trường khang trang theo hình thức "chìa khóa trao tay" (xây mới toàn bộ, hoàn chỉnh và bàn giao cho địa phương).
Mới đây, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trường Trung học Phổ thông Võ Văn Tần tại huyện Đức Hòa - ngôi trường trị giá hàng trăm tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) tài trợ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ Long An đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực bằng kết hợp nguồn lực giữa ngân sách địa phương và xã hội hóa, nhằm hướng tới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, bên cạnh các điều kiện về đường sá, hạ tầng, yếu tố quyết định nhất vẫn là con người. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng.
Trường Trung học Phổ thông Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường) khánh thành vào năm 2021. Ngôi trường được thực hiện từ nguồn xã hội hóa, xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay" với tổng kinh phí đầu tư 132 tỷ đồng.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, ngôi trường thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển theo định hướng chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Nhà trường luôn chú trọng và quán triệt đến giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, cùng với cơ sở vật chất hiện đại, nhiều giáo viên đã mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, dạy và học theo các hình thức: học nhóm, đóng vai, trò chơi, thuyết trình, giao nhiệm vụ…
Để tạo hứng thú cho người học, thu hút học sinh tham gia vào quá trình khám phá trí thức, giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kiến Tường, cho biết nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, địa phương thường xuyên nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Theo Luật Giáo dục 2019, thị xã có 111/520 cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ (chiếm 21,34%). Để tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giáo viên, địa phương kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung giáo viên ở những bộ môn chưa đảm bảo tỷ lệ quy định nhằm giảm áp lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên hiện có, nhất là môn tiếng Anh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, năm học 2022-2023, toàn tỉnh còn thiếu 1.375 giáo viên. Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên đã được thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp thực hiện của các Sở ngành liên quan.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An đang thông báo tuyển dụng năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc là 222 người phục vụ năm học mới 2023-2024.
Theo bà Phạn Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Ngành rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu xây dựng, tham mưu chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Ngành chú trọng thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2020-2025 như: Chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; Đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1.
Bình luận (0)