Với tốc độ đô thị hóa nhanh và áp lực dân số tăng, TP HCM cũng đang đối mặt nhiều vấn đề liên quan quy hoạch đô thị, bao gồm nhà ở cho các tầng lớp dân cư.
Trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được UBND thành phố chuyển cho Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có một nội dung đáng chú ý: Cam kết bảo đảm tỉ lệ nhà ở cho người có thu nhập trung bình và nhà ở xã hội chiếm tối thiểu 60% tổng số căn hộ trong các dự án xây dựng mới và dự án tái thiết đô thị.
Với định hướng phát triển nhà ở của TP HCM như trên, người dân có thu nhập trung bình và thấp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận căn hộ phù hợp khả năng tài chính, tránh tình trạng "chảy máu" bất động sản vào tay nhà đầu cơ. Việc này còn tạo ra môi trường sống cân bằng, khi không chỉ người giàu có mới có thể sở hữu nhà ở trong các khu đô thị mới và tiếp cận những tiện ích đô thị như giáo dục, y tế, giao thông, giải trí...
Khi các tầng lớp dân cư khác nhau có thể sống gần gũi, không bị phân tán theo khả năng tài chính, họ sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì sự đa dạng và bền vững của các khu dân cư, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, giúp giảm thiểu nguy cơ hình thành các khu ổ chuột hoặc những khu vực bị bỏ quên.
Nếu được thông qua, nội dung này sẽ là cơ sở để thực hiện việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 trên cơ sở bổ sung các quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia chiến lược phát triển an sinh xã hội cho địa bàn rộng lớn như TP HCM.
Bên cạnh đó, chính sách này cũng tạo ra áp lực nhất định đối với các nhà phát triển bất động sản trong việc phải cân đối giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Điều này có thể tạo thành xu hướng mới trong việc phát triển các dự án bất động sản, nơi mà yếu tố xã hội được chú trọng hơn, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận tối đa.
Hơn nữa, chính sách bảo đảm tỉ lệ nhà ở cho các hộ thu nhập trung bình và thấp sẽ giúp điều chỉnh dòng chảy dân cư, giảm bớt sự tập trung quá mức ở các khu vực trung tâm. Khi đó, không chỉ giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường mà còn cân bằng sự phát triển giữa các khu vực trong thành phố, giúp toàn bộ đô thị phát triển bền vững hơn.
Quan trọng hơn cả, chính sách này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Người dân thu nhập trung bình và thấp nếu có thể sở hữu hoặc thuê nhà ở ổn định sẽ "an cư lạc nghiệp", tập trung hơn vào công việc, từ đó tăng năng suất lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.
Bình luận (0)