Về tình trạng hàng rong, đánh giày lấy giá cao, cố tình lôi kéo, mời gọi, làm phiền du khách nước ngoài, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đã nêu những giải pháp xử lý vấn đề này.
.Phóng viên: Khách du lịch thường xuyên than phiền về tình trạng hàng rong mời gọi, thậm chí lôi kéo mời mua hàng ở nhiều điểm đến du lịch khu vực trung tâm TP HCM, Sở Du lịch có nhận được phản ánh không, thưa ông?
- Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA: Những vấn đề Báo Người Lao Động nêu Sở Du lịch TP HCM đã nhận được phản ánh và thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chuyên môn coi đó là những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên cần tập trung giải quyết.
Sở thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra chuyên ngành tại các tuyến, điểm du lịch, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan nắm tình hình và kịp thời xử lý khi có phản ánh của du khách. Đồng thời, trong năm nay, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với Công an thành phố; Phòng Văn hóa - Thông tin quận 1, 3; Công an quận 1, 3; Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố thành lập một tổ công tác thực hiện chuyên đề về xử lý tình trạng chặt chém, buôn bán hàng rong gây mất trật tự.
Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành điều tra, rà soát, lập danh sách những đối tượng hoạt động thuộc các ngành nghề phức tạp như chạy ô tô dù, xích lô, buôn bán dừa và hàng rong khác trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành lập hồ sơ nhắc nhở, yêu cầu những người này làm cam kết không chèo kéo khách cũng như chấp hành các quy định về an ninh trật tự và trật tự đô thị.
Các lực lượng này cũng kết hợp thường xuyên tuần tra để phát hiện số đối tượng tụ tập bán hàng rong tại các địa bàn trọng điểm, khu vực công cộng, điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Du lịch thường xuyên họp giao ban định kỳ hằng quý để đánh giá kết quả thực hiện và định hướng, triển khai các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Đến nay, các đối tượng này đã có chiều hướng giảm về số lượng và thu hẹp phạm vi hoạt động.
.Vì sao những trường hợp chặt chém, làm khó, quấy nhiễu du khách diễn ra thời gian dài, nhiều năm nhưng ngành du lịch không xử lý được triệt để?
- Việc giải quyết triệt để trường hợp chặt chém, làm khó, quấy nhiễu du khách đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế - dịch vụ tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành nghề. Do vậy, một mình ngành du lịch chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Qua điều tra, rà soát, thành phần những người bán dừa, bán hàng rong, đánh giày... đa số thành phần là người dân nhập cư, tạm trú tại nhiều quận, huyện ngoại thành. Ngoài những người làm ăn buôn bán chân chính để mưu sinh, có một số ít bộ phận lợi dụng việc buôn bán hàng rong, đánh giày để làm phiền, chiếm đoạt, xâm hại tài sản của khách du lịch, nhất là đối với khách quốc tế. Các đối tượng này hoạt động theo phương thức tạo nhóm nhỏ, hoạt động vào khung giờ nghỉ của cơ quan chức năng và trên phạm vi địa bàn nhất định.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn trong việc hậu xử lý giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Do pháp luật chưa có quy định cụ thể nên chế tài với những hành vi buôn bán, chèo kéo, gây phiền hà cho du khách còn nhẹ. Đa phần chỉ bị xử lý hành chính, không đủ tính răn đe, dễ dàng tái phạm và thường liều lĩnh hơn trong những lần vi phạm sau.
.Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là gì, thưa ông?
- Số đối tượng lợi dụng việc buôn bán hàng rong, đánh giày để làm phiền, chiếm đoạt, xâm hại tài sản của khách du lịch... không có nơi cư trú ổn định. Việc xử lý khó nhất là thiếu chứng cứ, tài sản xâm hại nhỏ, du khách ngại khai báo; xử lý chủ yếu là phạt hành chính, mức phạt thấp, tịch thu phương tiện, vật dụng buôn bán rồi cho về nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều đối tượng tái phạm và tìm cách đối phó với lực lượng chức năng như thay đổi địa bàn hoạt động, ngụy trang việc bán hàng, lẩn trốn lực lượng chức năng... Thậm chí, một số người bị xử lý không đóng phạt, tang vật tịch thu không có kho chứa...
Trong khi đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách là lĩnh vực hoạt động chứa nhiều rủi ro, thường xuyên đối mặt với các tệ nạn xã hội, gây khó khăn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Ngoài ra, nhân sự Đội Trật tự du lịch (trực thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố) chỉ có nhiệm vụ ngăn chặn, không có chức năng, thẩm quyền xử lý nên cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Do vậy, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh trật tự du lịch trên địa bàn chưa cao, thiếu tính ổn định. Tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám làm phiền du khách chưa được giải quyết căn cơ.
.Vậy theo ông, giải pháp nào để dẹp nạn hàng rong làm phiền khách, nhất là chuyện đánh giày lấy giá cao, cố tình lôi kéo; bán nước dừa mời gọi, làm phiền bao năm qua?
- Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của nhiều ngành chức năng. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch trên địa bàn TP HCM, Công an thành phố và Sở Du lịch đã xác định bảo đảm an ninh trật tự du lịch, trong đó xử lý triệt để tình trạng buôn bán hàng rong, chặt chém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian tới, 2 đơn vị sẽ tăng cường phối hợp để triển khai các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn trên.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-11
Đề xuất lập lực lượng hỗ trợ du khách
Sở Du lịch cho biết sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ du khách; tiếp nhận thông tin hỗ trợ du khách, thông tin cảnh báo hỗ trợ du khách. Đồng thời, tiếp tục tham mưu đề xuất thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ du khách.
Bình luận (0)