Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, du khách đến Huế đã được tận mắt chứng kiến các võ sư của phái Võ kinh Vạn An biểu diễn các thế võ ở công viên Thương Bạc và Đại nội Huế.
Du khách một phen thót tim khi lần đầu xem võ sư Nguyễn Duy Hiếu, Trưởng Câu lạc bộ Võ kinh Vạn An - Thuận An (TP Huế), biểu diễn môn "thiết hầu công", còn gọi là đâm thương vào yết hầu.
Ở thế võ này, võ sư Hiếu dùng 3 cây giáo (thương), cán được cố định dưới nền do các võ sinh giữ chặt, đầu kia gắn các mũi giáo sắc lẹm, đâm thẳng vào yết hầu. Võ sư Hiếu vận nội công ép xuống làm cong cán giáo bằng tre và giữ trong vòng vài chục giây rồi uống cạn một ly nước.
Sau đó, một viên gạch đúc xi - măng được đặt lên sau lưng võ sư Hiếu. Hai võ sinh khác dùng búa tạ, vận hết sức đánh vỡ viên gạch.
Màn biểu diễn kết thúc khi võ sư Nguyễn Duy Hiếu vận nội công giữ chặt 3 ngọn giáo và lấy ra khỏi yết hầu. Dù bị 3 ngọn giáo sắc lẹm đâm vào yết hầu nhưng người biểu diễn không hề hấn gì, ở vị trí đâm cũng không để lại dấu hiệu da trầy xước. Màn biểu diễn đã nhận được sự tán thưởng của du khách bằng những tràng pháo tay.
Võ sư Nguyễn Duy Hiếu biểu diễn "Thiết hầu công" đâm 3 mũi giáo vào cổ.
Võ sư Nguyễn Duy Hiếu cho biết với "thiết hầu công", ngoài Võ kinh Vạn An thì ở Huế chưa thấy môn phái nào thực hiện, biểu diễn. Muốn thực hiện được "thiết hầu công", cần phải có một thời gian tập luyện rất dài, khoảng 10 năm. Người luyện phải có ý chí, tinh thần không bỏ cuộc, sự quyết tâm cao độ mới thành công.
Khả năng chịu đựng tuỳ thuộc vào từng người tập luyện. Có người chịu được 1 - 2 cây giáo, có người 3 - 4 cây, thậm chí 5 cây. Những người luyện cao hơn có thể để thanh sắt nhọn đâm ngay cổ và đẩy được một chiếc ôtô di chuyển.
"Trong lúc biểu diễn, võ sư uống nước cho thấy họ có được một ý chí mạnh mẽ, tinh thần không bỏ cuộc và thể hiện sức mạnh của người luyện võ" – anh Hiếu giải thích.
Theo anh Hiếu, thoạt trông thì "thiết hầu công" có vẻ không thực chiến nhưng nó có thể giúp người luyện thoát hiểm. Ví dụ, trong trường hợp bị kẹp cổ, người biết "thiết hầu công" có thể chịu đựng và thoát ra một cách dễ dàng.
Bình luận (0)