xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch hướng đến không rác thải nhựa

Yến Anh

Chất thải nhựa làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, đe dọa môi sinh

Ngày 21-1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) trong lĩnh vực du lịch.

Tác hại khôn lường

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày, trong đó RTN chiếm khoảng 60%. Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy năm 2023 có 12,5 triệu lượt khách quốc tế với thời gian lưu trú trung bình là 7,7 ngày, 108 triệu lượt khách trong nước với thời gian lưu trú trung bình 2,6 ngày. Với ước tính hệ số phát sinh RTN theo đầu khách du lịch là 0,4 kg/du khách/ngày, lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra ước tính năm 2023 là 150.820 tấn. Dự báo tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch đến năm 2025 là 236.000 tấn và năm 2030 là 349.400 tấn.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay thêm kết quả điều tra thực trạng phát sinh RTN bởi du khách quốc tế và trong nước đến Ninh Bình và Quảng Nam cho thấy 5/12 loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần (SUP) được du khách sử dụng nhiều nhất gồm: chai nhựa, túi ni-lông, khăn giấy ướt, cốc/đĩa nhựa, ống hút/que khuấy và bàn chải đánh răng. Trong đó, chai nhựa đựng nước uống chiếm tỉ lệ cao nhất đối với cả 2 nhóm khách du lịch nội địa và quốc tế với tỉ lệ số lượng sản phẩm sử dụng lần lượt là 26,05% và 38,73% trên tổng số lượng SUP được điều tra. Về số lượng, du khách nội địa sử dụng ít chai nhựa hơn, với 4,59 cái/người/chuyến đi, trong khi du khách quốc tế sử dụng 6,49 cái/người/chuyến đi. Tuy nhiên, đối với túi nhựa, du khách nội địa sử dụng nhiều hơn với tần suất 2,97 cái/người/chuyến đi trong khi du khách quốc tế chỉ sử dụng 1,59 cái/người/chuyến đi.

Về khách du lịch, kết quả khảo sát cho thấy đa số du khách (>55%) và người dân ở các khu/tuyến/điểm du lịch (>80%) đều ủng hộ hoạt động giảm RTN bằng việc hạn chế sử dụng các SUP. Trong đó, tỉ lệ ủng hộ việc hạn chế sử dụng chai nhựa đựng nước uống có tần suất sử dụng cao nhất lên đến 89,68% đối với khách du lịch nội địa và 91,14% đối với khách du lịch quốc tế. Đối với túi nhựa, tỉ lệ này cũng lần lượt đạt 85,81% và 79,75%.

Rác thải trên các đảo ở vịnh Lan Hạ làm ảnh hưởng đến du lịchẢnh: Lan Anh

Rác thải trên các đảo ở vịnh Lan Hạ làm ảnh hưởng đến du lịchẢnh: Lan Anh

Nhiều điểm sáng

Quy định về RTN nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ sau năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều tỉnh, thành ven biển đã ban hành kế hoạch hành động của địa phương về sử dụng RTN đại dương và triển khai các mô hình giảm thiểu, hạn chế RTN.

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định RTN đang nổi lên là một thách thức trên thế giới cũng như tại Việt Nam, là vấn đề môi trường lớn, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội bao gồm cả lĩnh vực du lịch.

Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu RTN" và được các doanh nghiệp (DN) du lịch cả nước hưởng ứng, nhiều DN, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu RTN. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch đã được thực hiện, góp phần giảm thiểu RTN phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước.

Trong 3 tháng thực hiện thí điểm, 60 đơn vị tại 2 địa phương đã giảm trung bình 35% lượng RTN tại đơn vị. Tại Ninh Bình, so sánh tổng khối lượng RTN phát sinh trước và sau thí điểm, cho thấy tổng khối lượng RTN phát sinh sau khi thí điểm giảm từ 14%-23% so với trước thí điểm ở các loại hình DN (khách sạn 23%, nhà hàng 14%, lữ hành 14%, điểm tham quan 20%). Tại Hội An, lượng RTN phát sinh giảm 64% tại khách sạn trong quá trình tham gia chương trình thí điểm. Bộ tiêu chí công nhận DN du lịch không RTN được xây dựng và ban hành, lan tỏa các thông điệp và biện pháp quản lý tốt đến các DN du lịch thành viên, đồng thời thúc đẩy các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả của dự án Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025, 75% thành viên hiệp hội nâng cao nhận thức về RTN, 100% khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nhựa khó phân hủy và nhựa dùng một lần; 50% ban hành hướng dẫn giảm RTN. Đến năm 2030, 100% thành viên loại bỏ nhựa dùng một lần, lồng ghép nội dung giảm rác nhựa vào quy chế hoạt động. Hiệp hội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng du lịch xanh, bền vững. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ giảm thiểu RTN.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định sẽ tích cực hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển các sản phẩm du lịch xanh và tranh thủ nguồn lực quốc tế. Các hoạt động hợp tác không dừng lại ở việc chuyển giao công nghệ mà còn mở rộng sang trao đổi kinh nghiệm quản lý, xây dựng mô hình du lịch không RTN và đào tạo nhân lực. Hiệp hội khuyến khích các thành viên tích cực tham gia vào các sáng kiến toàn cầu, góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành một hình mẫu trong khu vực về phát triển bền vững. 

Tăng sức hấp dẫn của điểm đến

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy nhận định du lịch được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm RTN, nhưng đồng thời cũng là nguồn phát thải đáng kể RTN. Chất thải nhựa làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến về mặt thị giác, góp phần gây ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng đến động vật hoang dã và sức khỏe con người một cách tiêu cực, dần dẫn đến mất đa dạng sinh học. "Sự tham gia tích cực của ngành du lịch vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm RTN được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững" - ông Phạm Văn Thủy nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo