Cụ Đinh Thị Túy Phong (SN 1939, nghệ nhân của làng nghề bánh tráng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là một trong những người hiếm hoi còn "giữ lửa" làng nghề. Tết cổ truyền là dịp bếp nhà cụ Phong đỏ rực từ rạng sáng để làm ra những chiếc bánh thơm ngon.
Cụ Phong cũng không nhớ năm bao nhiêu tuổi là bắt đầu biết tráng bánh. Chỉ nhớ hồi trước, làng Túy Loan có nhiều hộ hay tráng bánh rồi cung cấp cho cả làng. Cụ Phong thì làm ở xã và làm nông. Thi thoảng lúc rỗi, cụ hay sang hàng xóm để xem tráng bánh rồi về tự mày mò, dựng lò, xay bột để tráng.
Thế là duyên làm bánh tráng bắt đầu từ đó.
Đã 83 tuổi nhưng cụ Đinh Thị Túy Phong vẫn cần mẫn bên lò lửa để tạo ra những chiếc bánh tráng thơm giòn
Vừa làm ở xã, cụ Phong vừa mở lò tráng bánh tại nhà để bán quanh làng Túy Loan. Theo trí nhớ của cụ, nghề tráng bánh ở Túy Loan có từ lâu nhưng mãi đến sau năm 1975 mới phát triển mạnh lên, nhiều nhà bắt đầu dựng lò, nổi lửa tạo nên làng nghề có tiếng tăm cho đến tận bây giờ.
Sau này, khi nghỉ việc, cụ bắt đầu chuyên tâm tráng bánh và truyền nghề cho con gái là bà Nguyễn Đặng Thái Hòa (SN 1976). Nói về bí quyết làm bánh, cụ Phong bảo "chả có gì khó cả". Đầu tiên là làm quen tay, mới tráng thì có thể bánh chưa được đẹp nhưng sau đó bắt đầu nhuyễn dần và bánh trở nên đẹp hơn. Đó là về kỹ thuật tráng, còn về nguyên liệu thì cụ Phong cho biết cũng không khó. Gạo để làm nên bánh tráng Túy Loan phải từ gạo xiệc. Thứ gạo mà hễ nấu cơm thì bị chê là cứng nhưng khi dùng làm bánh tráng thì nó giúp bột mau đông, bánh thành phẩm được khô giòn.
Cụ Phong là một trong những nghệ nhân hiếm hoi luôn giữ lửa làng nghề
Gạo ngâm vào chiều hôm trước cho mềm. Rạng sáng hôm sau thì gạo được xay ra thành bột rồi thêm gia vị vào. Cụ Phong cho biết gia vị cũng đơn giản, tùy vào khẩu vị. Lò nhà cụ thì bỏ thêm muối, mè, đường, tỏi, gừng vào bột sau đó mới tráng bánh. Bánh chín vừa lấy ra khỏi khuôn thì được mang đem xông khô trên lồng tre, phía dưới là lớp than củi đỏ hồng. Bánh được xông chừng 3 tiếng là khô rồi được xếp chồng lại mang đi cất.
Theo cụ Phong, xông bằng than giúp bánh mau khô hơn phơi nắng. Nếu phơi nắng thì mất 1 ngày mới khô được. Một điều quan trọng nữa là bánh được xông than khi nướng lên sẽ giòn và thơm hơn nhiều so với phơi nắng.
Bánh sau khi tráng chín được đem ra chờ xông trên lửa than
Ngày thường, lò nhà cụ Phong tráng khoảng 400 bánh, đường kính 40cm. Ngày Tết, cụ bắt đầu nhận bánh từ tháng 9 dương lịch, mỗi ngày số lượng tráng ra khoảng 1.000 cái. Lò bánh nhà cụ Phong không mang đi bỏ ở chợ hay các mối mà chủ yếu là khách quen tự đặt và tới lấy. Khách mua bánh mang đi biếu tặng, ăn Tết hoặc gửi cho người thân ở xa. Có khách đặt bánh mang đi gửi ra nước ngoài thì cụ Phong sẽ làm size bánh nhỏ hơn, với đường kính khoảng 20-30cm để dễ đóng gói.
Mấy chục năm làm nghề tráng bánh nhưng cụ Phong cho biết sẵn sàng truyền nghề cho ai có nhu cầu. "Ai muốn học nghề thì càng tốt, càng nhiều người học thì làng nghề sẽ mãi được giữ lửa. Bây giờ lớp trẻ hầu hết không muốn theo nghề này vì vất vả nên tôi luôn lo làng nghề rồi sẽ mất dần" - cụ Phong chia sẻ. Chính vì vậy mà cụ Phong rất mừng khi con gái quyết định theo nghề của mẹ nhưng các cháu ngoại của bà thì lại không.
Sau 3 tiếng xông than, bánh tráng khô và thơm. Lúc này, người làm bánh chỉ cần xếp bánh lại thành từng chồng, bỏ vào túi nilon và buộc chặt có thể bảo quản được hơn 6 tháng
"Mong muốn của tôi là giữ mãi lửa làng nghề để sau này, khi nhắc đến Túy Loan, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu bánh tráng. Đó là sự tự hào vì làng có được một đặc sản mà ai ăn vào cũng nhớ mãi" - cụ Phong tâm sự.
Con gái của cụ Phong, bà Nguyễn Đặng Thái Hòa đã quyết định theo nghề của mẹ để giữ lửa làng nghề
Bánh tráng Túy Loan là loại bánh tráng dày, khi ăn phải nướng lên cho bánh chín và giòn, thơm. Trước đây, người dùng chủ yếu nướng bánh bằng than củi. Sau này, bánh có thể nướng bằng lò nướng hoặc lò vi sóng cũng rất tiện lợi, dù chất lượng sẽ không tốt như nướng than.
Người dân Quảng Nam - Đà Nẵng dùng bánh tráng nướng để ăn với rất nhiều món như là ăn cùng mì Quảng, bẻ nhỏ ra để xúc cùng với các loại gỏi hoặc kẹp với bánh chưng để ăn ngày Tết, ăn khai vị trong mâm cỗ... Trong mâm cúng ngày Tết ở xứ Quảng, món bánh tráng nướng là đặc trưng không thể nào thiếu.
Bình luận (0)