Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét: Tuy số liệu khá ấn tượng nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng một nửa so với lượng khách đến Thái Lan, Malaysia. Dù vậy, sự chênh lệch này vẫn thể hiện tiềm năng lớn khi du khách quốc tế đã tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa qua.
Tăng trưởng tốt
Trong năm 2016, mức tăng trưởng 26% cho thấy Việt Nam vượt trội hơn so với một vài điểm đến khác trong khu vực ASEAN. Với địa hình đa dạng, phong phú cùng các loại khí hậu tiểu vùng, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhóm du khách nhờ lợi thế này.
Trung Quốc và Nga là 2 thị trường có số lượng khách du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Khách Nga được miễn thị thực và họ ưa thích việc nghỉ dưỡng tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn so với các điểm đến khác trong khu vực. Ngay cả khi đồng rúp mất giá, du khách Nga đến Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm. Về phần khách Trung Quốc, tầng lớp trung lưu đang tăng tạo nên nguồn cầu lớn cho du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, nơi có chi phí du lịch hợp lý. Trong năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc với mục đích công tác và du lịch, tăng 50% so với năm 2015. Khách Trung Quốc đến ASEAN được dự báo tăng gấp đôi trong 10 năm tới.
Thu nhập hộ gia đình và cá nhân tăng mạnh trong 5 năm qua đã giúp du lịch nội địa của Việt Nam tăng trưởng tốt. Hàng không giá rẻ là chất xúc tác cho tăng trưởng; từ năm 2014 đến 2016, Vietjet Air đã tăng đội tàu bay từ 18 lên 45 chiếc.
Biển đảo hút khách
Là trung tâm kinh tế lớn nên TP HCM và Hà Nội hấp dẫn lượng lớn khách du lịch. Khách hội nghị (MICE) và khách đi công tác chiếm hơn 40% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong năm 2016, TP HCM đón trên 5 triệu lượt khách và Hà Nội đón khoảng 4 triệu lượt khách.
Trước đây, TP HCM và Hà Nội có ưu thế là có đường bay quốc tế nhưng nay, khách đến TP HCM và Hà Nội đang giảm vì sự gia tăng số đường bay và công suất của nhiều chuyến bay thẳng đến những TP trọng điểm khác. Các điểm du lịch biển mới nổi như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn khi phát triển nhiều chuyến bay thẳng quốc tế mới. Hà Nội vẫn là cửa ngõ cho du khách đến những tỉnh phía Bắc; TP HCM vẫn là nơi trung chuyển cho du khách đến các tỉnh ĐBSCL, trong khi các tỉnh miền Trung “tự chủ” đón khách du lịch.
Trong năm 2016, các TP nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP HCM và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế. Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho du khách với tốc độ tăng trưởng lên đến 40%, Đà Nẵng trên 30%, Nha Trang 23%, vượt qua tốc độ tăng trưởng 10% của TP HCM và Hà Nội (19%).
Tăng nguồn cung khách sạn
TP HCM có nguồn cung khách sạn lớn nhất nước với khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao, hơn 70% so với Hà Nội. Năm 2016, cả 2 địa phương đều có công suất khai thác phòng đạt khoảng 70% và trong 3 năm tới, TP HCM sẽ cung cấp thêm 3.500 phòng mới, tăng 22%; còn Hà Nội sẽ tăng 50% tổng nguồn cung hiện tại. So với các TP ven biển, Nha Trang có nguồn cung khách sạn lớn nhất với hơn 12.000 phòng đạt 3-5 sao. Năm 2016, TP này đón 1,2 triệu khách quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng.
Thời gian lưu trú trung bình của du khách cũng thay đổi theo điểm đến. Thời gian lưu trú của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày; so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc. Đà Nẵng hấp dẫn cả khách du lịch quốc tế và nội địa với sân bay quốc tế và vị trí dọc “con đường di sản miền Trung” gồm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế và động Phong Nha. Tuy nhiên, việc đi lại dễ dàng trên lộ trình này cũng làm giảm thời gian lưu trú của du khách đến Đà Nẵng.
Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du lịch cao cấp nên phân khúc 5 sao chiếm 71% với 2.500 phòng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, là thị trường mới nổi, một lượng lớn nguồn cung trong tương lai có thể sẽ thách thức khả năng hoạt động của các chủ đầu tư.
Thiếu hướng dẫn viên du lịch
Thông tin từ Sở Du lịch TP HCM cho biết sở này vừa đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giảm tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế từ ĐH xuống CĐ nghề vì TP HCM đang thiếu HDV, nhất là các tiếng Pháp, Đức, Nga, Nhật... Hiện số lượng sinh viên theo học các chuyên ngành này rất ít và nhiều người không chọn nghề HDV sau khi ra trường. Ngoài ra, HDV lớn tuổi được cấp thẻ ngày càng giảm nhưng lại có rất ít lực lượng thay thế. Do thiếu HDV nên một số doanh nghiệp lữ hành phải thuê HDV không có thẻ, không đạt chất lượng; thậm chí sử dụng HDV là người nước ngoài để dẫn đoàn.
Theo Luật Du lịch, điều kiện để được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế là phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ; có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
TP HCM có 5.010 HDV du lịch được cấp thẻ, là số lượng đông nhất nước. Trong đó, có 2.639 HDV du lịch quốc tế; chiếm 52,67%. Đông nhất là HDV nói tiếng Anh với 1.738 người, chiếm trên 65%.
Bình luận (0)