Để làm được điều đó, ngành du lịch TP cần có những chiến lược hết sức cụ thể.
Nâng chất sản phẩm
Mỗi vùng, địa phương trên cả nước đều có tiềm năng du lịch riêng, phong phú và đặc sắc như du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng, sức khỏe và trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tâm linh… Với vị trí thuận lợi và tiềm năng của mình: thành phố đông dân nhất, cơ sở vật chất du lịch nổi trội nhất, nguồn nhân lực và doanh nghiệp du lịch tập trung đông nhất, quan hệ hội nhập quốc tế sớm và nhanh, du lịch TP HCM được xem là cửa ngõ chào đón du khách, cùng với trung tâm du lịch thủ đô Hà Nội tác động đến thị trường, thúc đẩy liên kết đầu tư cho các vùng miền trong cả nước, từng bước hình thành các trung tâm du lịch khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, ĐBSCL, Tây Bắc, Tây Nguyên…
Sản phẩm du lịch mà TP HCM tập trung là khách MICE - hội chợ, hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại mua bán sản phẩm “made in Vietnam”. TP HCM nên có các trung tâm hàng Việt Nam như: trung tâm lụa Việt Nam, trung tâm thời trang Việt Nam, trung tâm thủ công mỹ nghệ - hàng lưu niệm Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ. Phát triển các khu văn hóa, ẩm thực Việt Nam, đầu tư cho nhà hát, ca múa nhạc dân tộc và tổ chức hoạt động giao lưu với các dân tộc khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng tour du lịch golf, du lịch đường sông; xây dựng resort sông, resort vườn và tiến tới là khu resort biển Cần Giờ. Tất cả sản phẩm du lịch của TP hiện nay đều phải được nâng chất và hướng đến chuẩn mực quốc tế. TP HCM cũng cần tổ chức nhiều sự kiện thể thao - văn hóa - ca nhạc mang tính quốc tế.
Xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
Mô hình du lịch TP (city tourism) đòi hỏi một chiến lược về an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, gìn giữ môi trường xanh, sạch. Mọi hành vi xâm phạm đều phải bị phạt nghiêm khắc bằng biện pháp hành chính và kinh tế cao nhất theo quy định của pháp luật. Song song đó, TP HCM nên thiết lập quy tắc ứng xử đối với du khách trong và ngoài nước, hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên nhận biết và thực hiện. Có như vậy, TP HCM không chỉ đẹp trong nhà, ngoài phố mà còn cả trong cách ứng xử của mỗi người dân.
Một khi đã hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và bước vào sân chơi lớn TPP, nguồn lao động sẽ dịch chuyển đáng kể. Trước những thách thức mới, nguồn nhân lực du lịch phải tiếp tục được đào tạo nhanh để đáp ứng 3 yêu cầu: thái độ phục vụ vui tươi với nụ cười Việt Nam thân thiện, mến khách; kỹ năng nghề chuyên sâu theo tiêu chuẩn nghề ASEAN phát triển từ bộ tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS do dự án EU tài trợ nhiều năm qua; tổ chức học ngoại ngữ mà trước hết là tiếng Anh cho người trẻ, xem đây là ngôn ngữ hội nhập và là điều kiện để nâng cao kiến thức.
Du lịch TP HCM phải mạnh dạn liên kết sản phẩm, phát triển tư duy mới để phát huy hết vai trò của mình, xứng đáng là một trung tâm kinh tế du lịch của cả nước. Ngành du lịch cần mở ngay một hội thảo hiến kế cho lãnh đạo TP với sự tham dự của những chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển trong thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập AEC, TPP. Tập trung phát triển du lịch, lấy kinh tế du lịch làm điểm nhấn để tiếp tục thu hút doanh nhân, nhà đầu tư thương mại, sản xuất… từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị, vị trí, đời sống văn hóa của TP ngang tầm khu vực.
Bình luận (0)