Lượng du khách tăng đột biến khiến Khu Bảo tồn biển Hòn Mun (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) quá tải. Liên tục từ 7 giờ đến 15 giờ mỗi ngày, du khách chen kín cầu cảng để ra Hòn Mun.
Giẫm đạp san hô
Đặc biệt, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với khoảng 350 loài san hô nên du khách rất thích tham gia dịch vụ lặn biển. Trong quá trình lặn, do thiếu ý thức và không có kỹ năng cân bằng, một số du khách giẫm đạp lên rạn san hô gây gãy đổ. Hướng dẫn viên còn để cho khách vô tư nằm, ngồi trên rạn san hô chụp hình, quay phim. Thậm chí, một số doanh nghiệp thuê lại mặt nước để kinh doanh lặn biển tự ý khai thác, di dời các tập đoàn san hô có trong tự nhiên về vị trí khai thác điểm lặn.
Dịch vụ lặn biển ở Nha Trang được du khách ưa chuộng nhưng có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái (Ảnh: BAN QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN VỊNH NHA TRANG)
Ông M.T, một hướng dẫn viên lặn biển ở Nha Trang, đã đưa ra nhiều hình ảnh san hô chụp ở khu vực phía Bắc và phía Nam trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn biển Hòn Mun bị hư hại, đứt gãy, mắc đầy rác thải… Thừa nhận điều này, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lặn nhưng không có rạn san hô nên phải lấy từ nơi khác về. "Theo nguyên tắc là không được phép. Việc cấy ghép san hô phải có quy trình, quy định pháp luật chứ không tự ý làm như hiện nay" - ông Thái nói.
Doanh nghiệp đồng hành bảo vệ
BQL vịnh Nha Trang cho biết vịnh Nha Trang có khoảng 18 đơn vị phục vụ lặn biển, hơn 430 thuyền du lịch, trong đó có 15 phương tiện chuyên phục vụ lặn biển.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, BQL đã vây phao cho du khách tắm tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. BQL cũng tuần tra 24/24 giờ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và toàn vịnh Nha Trang. Các trường hợp vi phạm đều bị phạt cao, ở mức 25 triệu đồng/trường hợp. Bên cạnh đó, BQL cũng phối hợp với Viện Hải dương học đánh giá lại hiện trạng đa dạng sinh học, cứ 2 năm/lần.
"Tại các điểm lặn, chúng tôi đang nghiên cứu lượng khách, lượng tàu đến để quản lý. Chúng tôi sẽ cho phép lặn 1 ngày nghỉ 1 ngày chứ không thể đến bao nhiêu là tiếp bấy nhiêu. Hiện đội lặn của BQL gồm 6 thành viên, mỗi tuần lặn kiểm tra đột xuất ít nhất 2 lần để kịp thời xử lý nghiêm các đơn vị tổ chức lặn vi phạm quy định" - ông Thái khẳng định.
Theo ông Nguyễn Huy Hân, Tổng Giám đốc Công ty Việt Asian Nha Trang - một đơn vị tổ chức lặn biển bằng hình thức mũ đồng (mũ phi hành gia), nhiều đơn vị tổ chức lặn biển nhưng không thực hiện đúng quy định, làm ảnh hưởng chung đến loại hình giải trí đặc sắc của du lịch biển Nha Trang. Hiện doanh nghiệp phối hợp với Viện Hải dương học và cơ quan chức năng tổ chức nuôi trồng khoảng 60 loại san hô trên diện tích khoảng 200 m2. "Nếu những đơn vị tổ chức lặn không bảo vệ san hô thì đồng nghĩa việc không thể tồn tại được dịch vụ. Doanh nghiệp cần có ý thức đồng hành bảo vệ san hô" - ông Hân nhấn mạnh.
Giám sát chặt
Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết dịch vụ lặn biển là môn thể thao có tính nguy hiểm nên sở yêu cầu giám sát rất chặt chẽ để bảo đảm tính mạng du khách. "Chúng tôi đã cử đơn vị chức năng rà soát lại các đơn vị cung cấp dịch vụ lặn biển để bảo đảm thực hiện đúng quy định, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép" - ông Hùng nói.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao vừa đề nghị UBND TP Nha Trang và các cơ quan chức năng ngăn chặn không để Công ty TNHH Dịch vụ lặn Biển Xanh tổ chức lặn biển trái phép. Công ty này đã 2 lần gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động lặn biển giải trí nhưng đã bị từ chối vì chưa đủ điều kiện.
Bình luận (0)