Tôi đến Hà Giang từ cách đây hơn 10 năm, khi những con đường lên cao nguyên đá còn vắng những đoàn xe rầm rộ vượt đèo, những bạn trẻ ăn mặc màu sắc tíu ta tíu tít "tự sướng" mọi lúc mọi nơi và thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) đêm xuống im lìm ngủ dưới ánh sao.
Cái thuở ban đầu nhiều lưu luyến ấy, Hà Giang là vùng đất khiến tôi, một người sinh ra ở miền Nam với đồng ruộng cò bay thẳng cánh, cảm thấy kinh ngạc. Nơi đó, con đường chỉ như dải lụa mong manh vắt mình qua những dãy núi chập chùng. Nơi đó, màu xanh cây cỏ chỉ điểm xuyết cho những rừng đá tai mèo chơm chởm nối tiếp nhau. Và ở nơi đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là nắng vàng như mật. Cái màu mật óng ả rót lóng lánh trên đá, trên cỏ hoa, phản chiếu những con đường uốn khúc… Mùa thu đó sống mãi trong tôi để còn trở lại cao nguyên đá rất nhiều lần và thấy nặng lòng hơn.
Không thể ước cao nguyên đá mãi là một vùng đất biệt lập, chìm trong tăm tối nhưng chứng kiến người đông dần lên kéo theo hàng quán, xe cộ và cả những khối bê-tông lạnh lùng, cảm giác hụt hẫng trong tôi cứ tăng dần.
Cột cờ Lũng Cú trong cái nắng đầu ngày
Chợ Đồng Văn cổ kính duyên dáng ngày nào đã dời đi, nhường lại cho một khu phức hợp ăn nhậu rầm rộ mỗi đêm cuối tuần. Đỉnh đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, lộng gió bỗng trở nên ngượng ngập với những khối bê-tông, những tiểu cảnh hoa hòe rất lạc điệu. Và Lũng Cú không còn là mảnh đất tận cùng hoang vắng nữa mà núi đang bị đào xới nham nhở; hàng quán tấp nập.
Cũng may là những con đường dẫn đến Đồng Văn vẫn còn hồn cốt xứ sở của đá. May là cái nắng, cái gió và cả những làn sương sớm chiều còn tinh khiết nên Hà Giang vẫn là điểm đến số 1 trong tôi.
Một ngày xuân đẹp trời, dong xe qua những con dốc dựng đứng, uốn khúc, tôi theo con đường quen thuộc đến Lũng Cú - điểm cực Bắc Tổ quốc lúc chiều muộn.
Chiều xuân trong trẻo, trời không một gợn mây làm nền cho ánh mặt trời đang xuống dần, chuyển màu đỏ rực. Để kịp về Đồng Văn, nhiều đoàn khách tranh thủ ra về, trả lại không gian thênh thang, lộng gió cho cột cờ Lũng Cú.
Đứng trên đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt nhìn biên cương chập chùng núi, tôi nói với người bạn đồng hành: "Nán một tí, xem mặt trời lặn rồi về". Và chúng tôi đứng đó dõi theo tia nắng xiên từng nhát dài qua các ngọn núi, nhìn bản Lô Lô Chải yên bình với những nếp nhà xám nằm chen nhau bên thửa ruộng xanh lúa, vàng cải, thấy lòng lâng lâng.
Ở vùng núi, trời tối rất nhanh, mới thấy còn nắng đó mà thoắt cái không gian bỗng tối sầm và gió lạnh nổi lên. Nghĩ tới con đường núi dài gần 40 km không đèn đường và thị trấn Đồng Văn xô bồ, hai đứa quyết định vào bản Lô Lô Chải nghỉ lại.
Được một phụ nữ giới thiệu, chúng tôi đến nghỉ trong một căn phòng bằng vách đất, cửa gỗ đơn sơ, chỉ có giường và mền. Ăn xong bữa cơm nóng sốt do chị chủ nhà nấu, chúng tôi định đi dạo một vòng bản nhưng đành gác lại ý định vì trời rất lạnh, không gian xung quanh tối đen như mực. Điểm nhấn duy nhất lúc này là một bầu trời chi chít sao. Ngồi ở bậc thềm khu nhà trọ, nhìn bầu trời đầy sao kỳ ảo đó, chúng tôi biết rằng không về Đồng Văn là lựa chọn sáng suốt.
Đêm cực Bắc lạnh buốt. Nhà trọ không có lò sưởi, dù đắp 2 lớp mền dày nhưng chúng tôi trằn trọc suốt đêm bởi tiếng gió rít vi vút ngoài sân, đẩy những luồng không khí lạnh len qua khe cửa.
Và cũng từ khe cửa đó, một tia nắng đầu ngày vàng rực làm tôi tỉnh giấc vào sáng hôm sau. Mở cửa bước ra sân, tôi nghe tim mình đập rộn lên bởi quang cảnh trước mắt. Cái nắng đầu ngày tươi mới rót mật khắp một vùng rộng lớn. Không xa lắm là núi Rồng với cột cờ Lũng Cú đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió…
Vùng biên giới luôn gợi cho người ta cảm giác hoang vắng, cô liêu. Nhưng đứng ở Lũng Cú sáng hôm đó, tôi nghe hân hoan, ấm áp kỳ lạ. Không chỉ là cột mốc phân chia ranh giới, cột cờ Lũng Cú như mang cả tinh thần của người Việt: Hiên ngang, vững vàng!
Dù bạn sống ở đâu, hãy dành thời gian đến Lũng Cú một lần để cảm nhận điều đó. Và nếu có thể, hãy một lần thức dậy ở cực Bắc.
Bình luận (0)