Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tiếc thương vị tướng tài của nhân dân qua đời, trong những ngày qua, đông đảo bạn đọc đã gửi mail về Báo Người Lao Động bày tỏ mong muốn chọn những con đường xứng tầm để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bạn đọc còn hiến kế đặt tên Võ Nguyên Giáp cho các TP, xây dựng tượng đài, đúc tượng, làm quảng trường... ở khắp các tỉnh, thành.
Nên có Thành phố Võ Nguyên Giáp
Từ Paris - Pháp gửi chia sẻ về tòa soạn, Thomas Phạm, một độc giả trung thành của Báo Người Lao Động lấy trường hợp tướng Charle De Gauulle được người dân Pháp vọng mộ để đề xuất ở tất cả các tỉnh, thành nên đặt tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho các quảng trường, công viên. “Đây là việc làm thiết thực để vinh danh Đại tướng, nhắc nhở con cháu muôn đời sau khắc ghi công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng cho đất nước, cho dân tộc” - bạn đọc Thomas Phạm nói.
Ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Hải Hà đề nghị Chính phủ xây dựng ngay 3 bảo tàng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình, Hà Nội và TP HCM, khi chúng ta đang có nhiều tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng hùng tài đại lược như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự kiệt xuất, suốt đời cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. “Nếu chậm xây, tư liệu về Đại tướng sẽ bị mất dần...” - bạn đọc Nguyễn Hải Hà lo lắng.
Bên cạnh đề xuất đúc tượng, xây tượng đài, bảo tàng... bạn đọc cũng hiến kế về việc chọn thành phố để đặt tên Võ Nguyên Giáp. Bạn đọc Trần Hồng Long kiến nghị” “Đảng và Nhà nước lấy tên của Đại tướng thay cho Thành phố Điện Biên Phủ hiện tại, sau này sẽ là Thành phố Võ Nguyên Giáp, tỉnh Điện Biên”.
Ý kiến của bạn đọc Trần Hồng Long nhận được nhiều chia sẻ của mọi người. Tuy nhiên, một số bạn đọc góp ý nếu đã lấy tên Đại tướng đặt tên cho một thành phố thì đó phải là thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Điện Biên Phủ đã là một phần lịch sử gắn với tên tuổi Đại tướng, không nên đổi tên.
Đồng tình với lập luận này, bạn đọc Tú Ân đưa ra đề xuất rất đáng để tham khảo: “Theo tôi được biết, tỉnh Thừa Thiên- Huế đến năm 2020 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đó, nên đặt tên cho thành phố này là Thành phố Võ Nguyên Giáp. Huế với ngôi trường Quốc Học là nơi Đại tướng bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng, gắn liền với một thời tuổi trẻ của Đại tướng. Địa danh Huế sẽ được giữ lại thành tên một quận trung tâm của Thành phố Võ Nguyên Giáp. Cùng với TP HCM là trung tâm của phía Nam, Thành phố Võ Nguyên Giáp sẽ đóng vai trò trung tâm kinh tế - văn hoá - khoa học kỹ thuật của khu vực Bắc trung bộ, là đầu tàu giúp phát triển kinh tế cho khu vực này, trong đó bao gồm Quảng Bình quê hương và cũng là nơi yên nghỉ của vị Đại tướng huyền thoại”. Theo bạn đọc Tú Ân, việc thành lập Thành phố Võ Nguyên Giáp sau khi nâng cấp tỉnh Thừa Thiên- Huế là xứng tầm nhất với tầm vóc vĩ đại của Người.
Chọn đường xứng tầm để đặt tên
Việc đặt tên đường là ước nguyện của nhiều người dân Hà Nội. Bạn đọc Hồng Thơm bày tỏ ước nguyện: “Tôi ước ao Thủ đô Hà Nội có con đường thật đẹp mang tên Đại tướng. Ước gì trường tôi mang tên bác, phố tôi mang tên bác...”.
Một số bạn đọc đề xuất đặt tên Võ Nguyên Giáp cho tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi- Vành đai. Ảnh: Ánh Nguyệt
Tại TP HCM, HĐND, UBND TP cũng đang tính toán về việc chọn con đường xứng tầm để đặt tên Đại tướng. Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, trước đây TP HCM đã tính toán, dành một đoạn đường Điện Biên Phủ để đặt tên Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, do quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường mới được xây dựng nên dự định có thể thay đổi, phải tính toán lại. Theo ông, việc chọn một con đường lớn, xứng tầm để đặt tên cho Đại tướng chắc chắc TP sẽ làm, HĐND TP sẽ có phương án.
Trong số các đề xuất về đặt tên đường, đáng chú ý là một số bạn đọc đề xuất nên đặt tên Võ Nguyên Giáp cho tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi- Vành đai ngoài vừa khánh thành giai đoạn 1 ngày 28-9.
Bằng tất cả tấm lòng dành cho vị tướng tài của dân tộc, Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, chia sẻ của bạn đọc về đặt trên đường Võ Nguyên Giáp qua bài tổng hợp này, góp phần làm cơ sở cho các cơ quan chức năng, chính quyền TP HCM nói riêng tham khảo trước khi tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học, trưng cầu ý kiến nhân dân về việc đặt tên đường, các công trình vinh danh Đại tướng.
Bình luận (0)