xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa AI vào ngăn chặn các bản đồ phi pháp

Bài và ảnh: Lê Tỉnh

Bản đồ phi pháp xuất hiện trên website và ứng dụng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây khiến người dùng phẫn nộ

Mới đây, fanpage chính thức của thương hiệu ô tô MG Việt Nam đăng tải video giới thiệu mẫu xe kèm bản đồ Việt Nam nhằm giới thiệu hệ thống đại lý phân phối trên toàn quốc. Tuy nhiên, điều khiến dư luận phẫn nộ là video mô tả bản đồ Việt Nam lại thiếu… tỉnh Hà Giang.

Vi phạm ngày càng nhiều

Bản thân MG Việt Nam thừa nhận lỗi là nghiêm trọng, sau đó đã gỡ bỏ video có chứa bản đồ phi pháp này. Đồng thời lên tiếng xin lỗi vì để xảy ra sự việc ngoài mong muốn. Được biết, MG là thương hiệu con thuộc sở hữu của Tập đoàn SAIC (Trung Quốc).

Gần đây nhất, vào tháng 8-2024, tựa game tên "Boba Tea DIY Làm Trà Sữa" trên kho ứng dụng Google Play đã bị phát hiện có đường lưỡi bò phi pháp trên bản đồ của ứng dụng hay tháng 5-2024, hãng xe máy điện Yadea của Trung Quốc đăng bản đồ hiển thị sai tên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hãng này sau đó phát thông báo xin lỗi khách hàng trong nước.

Cuối năm 2023, Snapchat - ứng dụng nhắn tin và chia sẻ hình ảnh, video miễn phí - cũng bị người dùng phản ánh mạnh mẽ vì xuất hiện bản đồ phi pháp trên nền tảng. Ngay cả ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn Grab nổi tiếng ở Việt Nam vào tháng 4-2023 cũng bị người dùng phát hiện trên bản đồ của ứng dụng này không thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM khi đó đã mời Công ty TNHH Grab Việt Nam đến làm việc. Hãng công nghệ này đã xin lỗi và nhanh chóng khắc phục lỗi trên bản đồ.

Hai tháng sau đó, người dùng tiếp tục phát hiện Google Maps "xóa trắng" hình cờ Việt Nam trên mái nhà ở đảo Trường Sa Lớn. Khi đó, Google giải thích do "ảnh chất lượng kém". Thời điểm đó, cơ quan chức năng cũng vào cuộc và Google buộc phải khắc phục, trả lại hình ảnh Quốc kỳ của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn.

Xa hơn nữa, năm 2019, nhà phân phối xe Volkswagen trưng bày chiếc Touareg nhập từ Trung Quốc với phần bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trong ứng dụng điều hướng. Nhiều mẫu xe Trung Quốc như Zotye, BAIC nhập khẩu Việt Nam cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Ông Trương Thành Nam, nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP HCM), cho rằng việc các đơn vị để xảy ra vi phạm xin lỗi là không đủ mà cơ quan chức năng và các công ty công nghệ cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, không để những lỗi vô tình hay cố ý như vậy tiếp tục xuất hiện, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia.

Đưa AI vào ngăn chặn các bản đồ phi pháp- Ảnh 3.

Hàng loạt vụ vi phạm về chủ quyền Việt Nam trên các ứng dụng bản đồ đã được người dùng phát hiện

Giám sát bằng công nghệ AI

Dưới góc độ của người làm lĩnh vực công nghệ, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký Hội Tin học TP HCM - cho rằng cơ quan chức năng có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển những phần mềm kiểm duyệt bản đồ. Phần mềm này sẽ sử dụng bản đồ chính xác của Việt Nam làm chuẩn, sau đó đối chiếu với bản đồ được nhúng trên các website hay ứng dụng nào đó trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu phát hiện có điểm sai lệch hoặc thiếu sót, phần mềm sẽ lập tức cảnh báo. "Chúng ta có thể sử dụng AI để đối chiếu, chồng bản đồ của bên kia lên bản đồ gốc. Nếu có bất kỳ điểm nào bị thiếu hoặc dư, phần mềm sẽ thông báo cho cơ quan chức năng, từ đó có thể nhanh chóng yêu cầu đơn vị vi phạm chỉnh sửa, đồng thời có căn cứ để xử lý. Đây là phương pháp tương tự như cách mà các công ty công nghệ hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán qua hình ảnh. Họ chồng hình chụp của bệnh nhân lên hàng ngàn hình ảnh khác để tính toán xác suất bệnh lý" - ông Tuấn nêu ý tưởng.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, cũng đề xuất áp dụng AI và học máy (machine learning) để tự động quét, phát hiện các bản đồ phi pháp một cách tối ưu và nhanh nhất có thể. Những công nghệ này sẽ phân tích dữ liệu hình ảnh và văn bản, từ khóa… so sánh với cơ sở dữ liệu chuẩn để xác định những vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thiết lập kênh như website để người dùng báo cáo, phản ánh, giúp phát hiện nhanh chóng những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cần có chế tài nghiêm khắc như chặn IP không cho truy cập vào server và yêu cầu gỡ bỏ hoặc thay đổi dữ liệu bản đồ phi pháp. Nếu đơn vị nào không tuân thủ cần có biện pháp chế tài nặng, bao gồm tăng mức xử phạt hoặc cấm phân phối sản phẩm.

Theo các chuyên gia công nghệ, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng một cơ sở dữ liệu về bản đồ chính xác của Việt Nam từ các nguồn chính thức; đồng thời phát triển hệ thống AI để đối chiếu bản đồ từ các website và ứng dụng với cơ sở dữ liệu này. Cần tạo kênh phối hợp giữa người dùng và các nhà cung cấp mạng tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT… để chặn việc phát tán nội dung cấm thông qua những trang web "đen". Những biện pháp này không chỉ giúp giám sát và loại bỏ nhanh chóng các bản đồ phi pháp mà còn là cơ sở để xây dựng các hệ thống, phần mềm khác ngăn chặn thông tin xấu độc, không chính xác trên không gian mạng. 

Tăng cường kiểm duyệt nội dung mạng xã hội

Bà Trúc An (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) bày tỏ bức xúc khi thấy bản đồ phi pháp xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở doanh nghiệp và sản phẩm liên quan đến Trung Quốc. Bà đề nghị nhà nước cần tăng cường kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, khuyến khích người dùng báo cáo những nội dung sai trái trên các ứng dụng, website hoặc nền tảng đang phân phối như Facebook, App Store, Google Play... để kịp thời ngăn chặn vi phạm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo