icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa livestream bán hàng vào khuôn khổ (*): Tránh bỏ lọt thuế

MINH CHIẾN - LÊ TỈNH - NGỌC ÁNH

Sau những phiên livestream với doanh số chục tỉ, trăm tỉ, dư luận đều đặt câu hỏi về việc thu thuế với những người tham gia bán hàng thế nào?

Trước việc chất lượng hàng hóa còn bỏ ngỏ và nguy cơ thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), livestream bán hàng, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã liên tục có những chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Kiểm soát gian lận, trốn thuế

Tại công điện ngày 6-6, Thủ tướng nêu rõ sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế.

Nội dung công điện cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng. "Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - công điện nêu rõ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành nghiên cứu giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân kê khai, nộp thuế; có các giải pháp chống thất thu thuế, xử nghiêm vi phạm về thuế, hải quan trong TMĐT. Ngành tài chính cũng được giao xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý thuế với các bộ, ngành khác như công an, ngân hàng. Việc này giúp định danh, xác thực cá nhân, tổ chức nhằm kiểm soát gian lận, trốn thuế.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành nghị định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch TMĐT, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

TikToker livestream bán hàng tại chợ Bến Thành trong một sự kiện diễn ra hồi đầu năm 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TikToker livestream bán hàng tại chợ Bến Thành trong một sự kiện diễn ra hồi đầu năm 2024 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo cục thuế các địa phương triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm... đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết để đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với TMĐT, cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu từ các nguồn do sàn TMĐT cung cấp. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp cơ quan thuế địa phương rà soát đối tượng quản lý thuế, tuyên truyền người nộp thuế kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế.

Không quá khó

Là người hoạt động lâu năm trên thị trường TMĐT, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ), khẳng định việc quản lý thuế với bán hàng online nói chung và livestream bán hàng nói riêng không quá khó. "Livestream là một hình thức để tiếp cận khách hàng, gia tăng doanh số cho bán hàng online. 

Nếu kinh doanh qua sàn thì đã có sàn kê khai thuế; các hình thức khác cũng được nhà nước quản lý qua hệ thống thanh toán, đơn vị vận chuyển nên những nơi có doanh số lớn rất khó "lọt sổ". Thời gian qua, nhiều người kinh doanh online kêu ca về việc bị truy thu thuế nên họ đã cộng luôn thuế vào giá bán sản phẩm để người mua cùng chịu" - ông Tấn dẫn chứng.

Về việc những phiên livestream có doanh số chục tỉ, trăm tỉ đồng, ông Tấn cho rằng dân trong ngành đều hiểu đó là con số để tạo sự chú ý vì ghi nhận cả những đơn hàng khách hàng đã hủy, chưa hủy hoặc hoàn trả sau này. Doanh số thực sau phiên livestream chắc chắn sẽ có nhưng thường được bảo mật.

Theo ông Tấn, vấn đề cần quản lý của kinh doanh online là chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và giá bán. Dù các nền tảng đều có công cụ để kiểm soát nhưng hàng hóa và người bán quá nhiều, sàn không thể "quét" hết 100%. 

"Trong các phiên livestream thường tập trung yếu tố giá rẻ và những sản phẩm như vậy thường là thương hiệu lạ hoặc hàng công ty đa quốc gia, thương hiệu Việt rất ít. Rõ ràng thương hiệu Việt đang bị lép vế ở kênh này nhưng đang bị kiểm soát chặt nhất. Hiện nay, TMĐT xuyên biên giới rất nhiều và hàng hóa nước ngoài đang có rất nhiều lợi thế về giá khi không phải đóng thuế (do giá trị đơn hàng nhỏ) và được sản xuất tại xưởng gia công của thế giới" - ông Tấn đặt vấn đề.

Là nơi tạo ra những phiên livestream có doanh số khủng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, nói từng có những phiên livestream lên tới 350.000 người cùng xem tại một thời điểm. Trung bình những phiên livestream đó có khoảng 5-20 triệu người xem. Giả sử chỉ 1% người xem mua hàng thì doanh số 100 tỉ đồng không phải lớn. 

Về những người tham gia livestream, theo ông Thanh, đó chỉ là những nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) được các nhãn hàng thuê bán hàng nên họ chỉ nhận được tiền công, thường ở mức 5%-10% doanh thu và phải kê khai để đóng thuế dựa vào khoản tiền này.

Về việc chấp hành quy định về thuế, ông Thanh khẳng định việc thu thuế trên các sàn TMĐT có đăng ký, được cấp phép như TikTok Shop chặt chẽ hơn nhiều so với việc thu thuế kinh doanh online không qua sàn như các hội nhóm, mạng xã hội. "Với các sàn TMĐT như TikTok Shop, khi có sự cố về chất lượng hàng hóa và cả việc chấp hành nghĩa vụ thuế đều có đầu mối chịu trách nhiệm" - ông Thanh bày tỏ.

Ông Thanh nói thêm tất cả những người có phát sinh thu nhập trên TikTok Shop bao gồm nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Về việc xuất hóa đơn khi bán hàng livestream, ông Thanh nói nhà bán hàng sẽ có nghĩa vụ xuất hóa đơn cho người tiêu dùng với các nội dung theo quy định của cơ quan thuế. Nhà bán hàng cũng phải có hóa đơn đầu vào, tương ứng với đầu ra. 

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận với số lượng người bán hàng nhiều, số lượng giao dịch lớn thì việc chấp hành các quy định về thuế đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên. "Trong tháng 7 tới, TikTok sẽ có các hoạt động phối hợp với Tổng cục Thuế để phổ biến các kiến thức về thuế, hướng dẫn nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung kê khai và nộp thuế chính xác, tránh sai sót" - ông Thanh thông tin. 

Phải chủ động khai và nộp thuế

Là người chuyên tham gia các phiên livestream bán hàng trên TikTok, TikToker Thiện Nhân (tên thật Tống Thanh Nhàn), cho biết những thông tin về việc siết thu thuế TMĐT hay livestream gần đây không ảnh hưởng đến hoạt động của anh vì bản thân đã ý thức nghĩa vụ này và tuân thủ từ sớm. Thiện Nhân đã đăng ký hộ kinh doanh và kê khai, nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế ở địa phương theo định kỳ. "Khi kinh doanh hoặc có thu nhập từ hoa hồng trên sàn, mọi người nên chủ động đi kê khai nộp thuế và làm theo hướng dẫn. Trên TikTok Shop, tài khoản gian hàng được đồng bộ với tài khoản ngân hàng (trùng căn cước công dân) nên nếu trốn thuế rất dễ điều tra ra" - TikToker này nêu quan điểm.

Facebook kêu gọi người dùng tuân thủ nghĩa vụ thuế

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên nền tảng Facebook gần đây, ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta (quản lý nền tảng Facebook, Messenger...), nói rằng những quan ngại của dư luận gần đây là chính đáng khi đòi hỏi sự chuẩn mực về quản lý hàng hóa cũng như chấp hành nghĩa vụ về thuế. "Meta luôn cam kết xây dựng môi trường tốt cho mọi người sử dụng các công cụ của Meta có môi trường an toàn, lành mạnh, tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng Meta đặt ra cũng như các tiêu chuẩn của pháp luật. Ngoài ra, sự cam kết còn đến từ các đối tác của Meta trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái rõ ràng hơn" - ông Khôi Lê nói.

Cũng theo ông Khôi Lê, Meta đã làm việc nhiều lần với cơ quan thuế và cam kết tuân thủ quy định cũng như kêu gọi các đối tác có sử dụng nền tảng của Meta tuân thủ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo