xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng đẩy thiệt thòi cho người lao động

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đề xuất người lao động được nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, tử tuất nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong giải quyết chế độ nhưng khiến người lao động thiệt thòi

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, tuy số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giảm nhưng số đơn vị chậm đóng lại tăng. Cụ thể, năm 2021 cả nước có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH, năm 2022 tăng lên hơn 31.800 đơn vị, trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng. Tính đến hết tháng 10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước là khoảng 14.650 tỉ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng.

Gỡ vướng trong giải quyết quyền lợi

Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu; biện pháp chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH chưa đủ sức răn đe. 

Đặc biệt, với những đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài nhưng không còn tài sản bảo đảm hay nguồn tài chính để khắc phục nợ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 206.000 lao động. Tuy nhiên, việc giải quyết quyền lợi cho đối tượng này thời gian qua gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định.

Từ nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, thời gian qua, trong số 206.000 trường hợp bị nợ BHXH, đã có 2.291 người được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người được giải quyết chế độ tử tuất, 27.415 người đã được giải quyết chế độ BHXH một lần, 34.574 người đã được cơ quan BHXH xác nhận thời gian tham gia để bảo lưu quá trình đóng. Hiện còn khoảng 125.000 người chưa được giải quyết chế độ chính sách.

Đừng đẩy thiệt thòi cho người lao động- Ảnh 1.

Chủ doanh nghiệp nợ BHXH và bỏ trốn khiến người lao động tại một công ty ở quận 12, TP HCM bị treo quyền lợi. Ảnh: MAI CHI

Khắc phục bất cập nêu trên, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) trong trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không còn khả năng đóng BHXH. 

Cụ thể, trường hợp NSDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì khi có yêu cầu của NLĐ, cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH. Khi NSDLĐ nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng, cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH và hoàn trả số tiền NLĐ đã đóng. 

Căn cứ thời gian đóng BHXH được xác nhận, người đủ điều kiện sẽ được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất. Trường hợp tính cả thời gian bị nợ mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất thì NLĐ được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng chế độ (hưu trí, tử tuất, BHXH một lần).

Không công bằng với người lao động

Đề xuất NLĐ được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất đang nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Theo bà Trần Thị Ngọc Lước - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Phú Nhuận, TP HCM - đề xuất trên chưa phải là giải pháp ưu việt nhưng là một cách tháo gỡ để NLĐ được tiếp cận quyền lợi đáng được hưởng. Thực tế, khi DN nợ BHXH, nhiều quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng như trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất… 

Không ít trường hợp NLĐ đã đến tuổi hưu nhưng không dám nghỉ ngơi vì không được giải quyết chế độ hưu trí. Cách duy nhất là NLĐ chờ DN bị xử lý và khắc phục nợ, song nếu DN đã giải thể, phá sản, chủ DN bỏ trốn thì kết quả chờ đợi là vô vọng. Theo bà Lước, đề xuất này chỉ khả thi với trường hợp bị nợ thời gian ngắn, số tiền không quá lớn và NLĐ có khả năng tài chính.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Product (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), không đồng tình với đề xuất này. Bởi lẽ khi DN chậm, trốn đóng BHXH, phần lỗi thuộc về chủ DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước khi không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Bản thân NLĐ đã mất trắng khoản trích đóng hằng tháng suốt thời gian nợ, không được hưởng quyền lợi ngắn hạn (ốm đau, thai sản, thất nghiệp…), nếu phải tiếp tục chi tiền để trả nợ cho cả phần DN là không công bằng. 

"Cùng với việc tạo cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi NLĐ trong trường hợp DN không còn khả năng đóng BHXH, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng nợ BHXH đang xảy ra tại các DN còn hoạt động"- ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Advanced Motor Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), đề xuất.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo