Vừa qua, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ 5 người liên quan đến phiên đấu giá do UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) tổ chức. Năm người bị tạm giữ gồm: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân.
"Ăn không được phá cho hôi"
Theo Công an TP Hà Nội, tháng 11-2024, Tuấn biết thông tin UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án khu dân cư nông thôn xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Tuấn đã nhờ Dương mua hồ sơ đấu giá của Công ty Thanh Xuân - đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá - phát hành.
Để trúng đấu giá, Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với những người còn lại trong nhóm về việc cùng tham gia đấu giá và thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.
Tuấn đưa bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán cho những người còn lại. Theo đó, các lô đất có giá dao động từ 20 - 32 triệu đồng/m2, ước tính 1,7 - 3,9 tỉ đồng/lô đất. Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, có người trả giá cao nhưng vẫn ở dưới mức giá Tuấn tính toán thì nhóm đối tượng sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6.
Trường hợp vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá do Tuấn tính toán thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5 nhưng bỏ đấu giá tại vòng thứ 6. Khi đó, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau.
Với trường hợp này, các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá. Để thực hiện ý đồ của mình, các đối tượng đã chuyển tiền cho Dương và Tuấn. Sau đó, Tuấn chuyển hơn 3,6 tỉ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.
Tại phiên đấu giá ngày 29-11, ban đầu nhóm Tuấn đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Nhưng khi phát hiện giá của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà Tuấn đã tính toán trước đó, nên tại vòng đấu giá thứ 5, các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm. Cụ thể, nhóm Tuấn đưa giá trên 30 tỉ đồng/m2, dẫn đến việc đấu giá 36 lô đất không thành công.
Trước vụ việc này, đã có trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá vì đưa ra mức giá cao bất thường, khiến dư luận bức xúc và yêu cầu làm rõ động cơ.
Có thể xử lý hình sự
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Nguyên tắc chung của đấu giá tài sản là phải tuân thủ, bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
"Cần phải xem xét lại tính pháp lý của Luật Đấu giá tài sản cũng như là lỗ hổng trong trình tự thủ tục đấu giá tài sản hiện nay. Cụ thể, dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, vẫn có một số lỗ hổng chưa được khắc phục đó là vì sao không bắt buộc các tổ chức, cá nhân khi đăng ký tham gia cuộc đấu giá phải chứng minh tài chính, ký quỹ ngân hàng bằng với mức giá khởi điểm của cuộc đấu giá tài sản tương ứng đó và cộng với số tiền đặt trước, đặt cọc? Khi hoàn thành các thủ tục này mới được tham gia đấu giá" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, phân tích.
Theo điều 69 Luật Đấu giá tài sản, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật bán đấu giá tài sản nếu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá thì tùy vào mức độ, hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nhau. Cụ thể, người tham gia đấu giá sẽ mất tiền đặt trước; bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, người tham gia đấu giá có thể bị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định tại điều 218 Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản thì hành vi vi phạm quy định về bán đấu giá tài sản.
Công an xác minh việc đồng loạt bỏ đấu giá đất
Ngày 4-12, một lãnh đạo Công an huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) cho biết đơn vị đang xác minh vụ đấu giá 22 thửa đất, thất bại ở xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) vừa qua.
Trước đó, ngày 30-11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong (thôn Văn Quán, xã Đỗ Động). Các thửa đất có diện tích 85 - 136 m2, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá đến vòng thứ 8, giá cao nhất được người tham gia đấu giá trả hơn 70 triệu đồng/m2, song đến vòng thứ 9, người tham gia đấu giá đồng loạt không trả giá tiếp, dẫn đến phiên đấu không thành công.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, việc đấu giá thất bại ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)