Cuối năm 2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim của huyện Phước Sơn - tỉnh Quảng Nam xảy ra các vụ sạt lở đất làm 13 người chết, nhiều công trình, nhà cửa, đường sá bị hư hỏng nghiêm trọng.
Sau sạt lở, tỉnh Quảng Nam đã cấp hàng trăm tỉ đồng cho huyện Phước Sơn để khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống người dân. Dù vậy, sau hơn 3 năm, các dự án sửa đường vào các xã vùng cao của huyện Phước Sơn triển khai thi công ì ạch, chậm tiến độ khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, các dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1.PS, ĐH2.PS, ĐH5.PS trên địa bàn huyện đều chậm tiến độ, chưa đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Cụ thể, dự án Khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1.PS (Phước Kim - Phước Thành) có hiều dài 18,66 km; thời gian thi công 1.000 ngày, khởi công tháng 1-2022 - hoàn thành tháng 10-2024. Đến nay khối lượng thực hiện đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng.
Dự án Khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH2.PS (Phước Thành - Phước Lộc) dài 8,37 km; thời gian thi công 1.060 ngày (khởi công tháng 5-2022 - hoàn thành tháng 12-2024). Đến nay khối lượng thực hiện đạt 35% giá trị hợp đồng.
Dự án Khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH5.PS (Phước Công - Phước Lộc) thời gian thi công 975 ngày (khởi công tháng 4-2022 - hoàn thành tháng 12-2024). Đến nay khối lượng giải ngân đạt 35% giá trị hợp đồng.
"Đứng về phía nhân dân, chúng tôi thấu hiểu sự bất tiện của đồng bào khi lưu thông trên các tuyến đường này. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi thừa nhận sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và đại diện chủ đầu tư" – ông Lê Quang Trung nói.
Theo ông Trung, các nhà thầu trúng thầu thi công tác tuyến ĐH trên đều liên danh từ 1 đến 4 nhà thầu, có doanh nghiệp năng lực tốt, làm có trách nhiệm, có doanh nghiệp năng lực hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm đối với hợp đồng đã ký kết.
Huyện chia sẻ với các nhà thầu về một số khó khăn như địa bàn Phước Sơn mưa nhiều trong năm 2022, thiếu nguồn cung và giá vật liệu xây dựng tăng cao trong năm 2023. Cả 3 tuyến ĐH đều sạt lở nặng nên việc vận chuyển vật liệu, phương tiện, máy móc đến công trình gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng khi đã đấu thầu và ký kết hợp đồng thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm với hợp đồng đã ký kết.
"Thời gian thi công vẫn còn từ 8 đến 10 tháng nữa, UBND huyện đã và đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2024" – ông Trung nói.
Bình luận (0)