Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 25-12-2024, trong đó có nêu rõ các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau.
Ngày ế, đêm đông
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dù đã có quy định nhưng hầu hết các tiệm net tại TP HCM vẫn kinh doanh công khai cả ngày lẫn đêm. Chỉ cần nhập từ khóa "Tiệm net 24/24" trên Google, sẽ ra hàng loạt website giới thiệu các tiệm net tại quận 3, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức…
Lúc 22 giờ một ngày cuối năm, chúng tôi ghé một tiệm net V. nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nhân viên cho biết tiệm hoạt động 24/24 giờ. Không chỉ ở đây, các chi nhánh khác tại quận 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình… cũng tương tự. Đáng chú ý, đến 23 giờ, lượng game thủ đến tiệm V. ngày càng đông, náo nhiệt bởi tiếng la của các game thủ đang say sưa trong các trận chiến như Đột kích, Liên minh huyền thoại, Pubg... "Thời gian "full máy" là từ 23 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Game thủ rất thích cày đêm vì đông người chơi, giá còn rẻ, như combo tối từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng, tùy loại máy. Trong khi đó, ban ngày lại rất thưa khách do nhiều người phải đi học, đi làm" - nhân viên của tiệm net V. cho biết.
Ông Nguyễn Duy Nam, người từng mở tiệm game trên đường số 17 (TP Thủ Đức), cho hay khoảng thời gian từ 23 giờ đến 6 giờ sáng là được xem là "giờ vàng" của tiệm net vì game thủ thường có thói quen chơi vào những lúc này sẽ mang lại cho họ cảm giác tập trung, kích thích hơn. Phần lớn game thủ là sinh viên, người lao động ngày đi học, đi làm, đêm mới có thời gian đến tiệm net để tụ tập lập nhóm chơi game. "Các tiệm net không thể ngừng hoạt động là do chi phí mở tiệm rất lớn. Một bộ máy tính tầm trung có giá 10-12 triệu đồng, còn cao cấp từ 17 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Đầu tư một tiệm "cyber game" đủ sức hút phải trên dưới 1 tỉ đồng. Nếu không mở giờ khuya, tiệm sẽ đóng cửa sớm vì lỗ" - ông Nam nói.
Thiếu sự đồng bộ trong hệ thống quản lý
Theo một chuyên gia của một công ty công nghệ, "Nghiện game gây tác động xấu đến tương lai của trẻ, nhất là ở độ 18 tuổi trở xuống. Nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ như rối loạn giấc ngủ, ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt… Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến họ trở nên hung dữ hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời".
Theo Nghị định 147/2024, các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có hệ thống kỹ thuật quản lý thời gian chơi game của người chơi dưới 18 tuổi. Mỗi tài khoản chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi không vượt quá 180 phút. Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" được hiển thị ở vị trí dễ nhìn và phát thông báo 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi. Việc xác thực tài khoản người chơi phải được thực hiện qua số điện thoại di động. Chỉ khi tài khoản được xác thực, người chơi mới có thể tham gia trò chơi… Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng phải thống kê và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc DOS Labs - một DN phát triển game, việc thực thi theo các quy định này gặp nhiều thách thức do thiếu sự đồng bộ giữa hệ thống quản lý thông tin cá nhân của cơ quan nhà nước và hệ thống đăng ký game của các nhà phát hành dẫn đến DN khó kiểm soát việc khai báo thông tin chính xác của người chơi. Đồng thời, các biện pháp kỹ thuật để giám sát, giới hạn thời gian và độ tuổi người chơi còn thiếu, dẫn đến khi triển khai còn gặp nhiều cập rập. Theo ông Quang, Trung Quốc đã phát triển game online rất mạnh và đã triển khai thành công các biện pháp ngăn chặn người chơi game dưới 18 tuổi hoặc chơi quá thời gian quy định. Mô hình quản lý game từ thị trường này được sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiêm ngặt như yêu cầu nhập số điện thoại, mã OTP, liên kết tài khoản game và cơ sở dữ liệu quốc gia, xác thực khuôn mặt (KYC). Việt Nam có thể tham khảo mô hình quản lý này để triển khai nghị định. Ngoài ra, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo là một phần quan trọng cần được quản lý chặt chẽ để kiểm soát hoạt động game, vì nhiều game cho phép đăng ký tài khoản thông qua các nền tảng này. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần có sự đồng bộ và công bằng trong áp dụng các quy định đối với tất cả các nhà phát hành game, bao gồm cả các công ty game quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Bà Vũ Thị Trang, Giám đốc điều hành Gamota - một nhà phát hành game di động tại Việt Nam, cho biết DN đang triển khai theo các quy định liên quan đến DN game của Nghị định 147 và chi phí có thể tăng lên, tốn kém thời gian hơn nhưng sẽ là cơ sở giúp ngành game trở nên lành mạnh hơn, người dân sẽ thay đổi cái nhìn về game. "Mặc dù gặp một số khó khăn khi triển khai hàng rào kỹ thuật nhưng chúng tôi sẽ tối ưu hóa quy trình để đáp ứng các yêu cầu mới và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để cải thiện hệ thống" - bà Trang nói.
Theo luật sư Bùi Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM), các cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cần tự giác chấp hành pháp luật khi kinh doanh game online. Nếu vi phạm có thể bị phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng.
Bình luận (0)