Đến nay, ngành game mobile (GM) Việt Nam đã bước đầu định hình và trên đà phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà sản xuất và phát hành GM tại Việt Nam, ngành này cần vượt qua nhiều thách thức mới có thể phát triển tương xứng với tiềm năng.
Gia công là chính
Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp GM. Ông Vương Vũ Thắng, Giám đốc điều hành Soha Game, cho biết: “Doanh thu game di động ở Việt Nam năm 2014 là 83 triệu USD, bằng tổng doanh thu của Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan, lợi nhuận gấp Thái Lan 1,5 lần. Năm 2015, doanh thu dự kiến là 104 triệu USD. Việt Nam có trên 134 triệu thuê bao di động, tốc độ tăng trưởng smartphone đang đứng thứ hai châu Á, trong đó có đến 80% người độ tuổi 16-34 chơi game smartphone. Số lượng game phát hành trong 2 quý đầu năm 2015 là 64, đạt 83% so với năm 2014, dự báo hết năm 2015 là 120 game”. Tại sự kiện Mobile Game Asia 2015 vừa diễn ra tại TP HCM, ông Maxim de Wit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Game Mobile Đông Nam Á, đánh giá: “Đông Nam Á là miền đất mới cho sự phát triển của ngành GM. Việt Nam là thị trường đang có sự tăng trưởng nhanh nhờ độ phủ sóng rộng của smartphone và người dùng tiềm năng. Việt Nam hiện có nhiều công ty làm game lớn và đang thu hút nhiều công ty nước ngoài tham gia”.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, ngành GM của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công cho các hãng nước ngoài với hơn 2/3 số nhà làm game hiện có. Hơn 90% game trên thị trường là nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông Lê Giang Anh, Giám đốc xưởng làm game JOY Entertainment, cho biết: “Các nhà phát hành chưa tin tưởng chọn game của các xưởng trong nước phát triển vì sợ rủi ro. Điều này gây bất lợi cho các nhà sản xuất GM Việt Nam khi muốn phát hành sản phẩm của mình ra thị trường”. Theo ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành Công ty Phát hành game Appota, người chơi chủ yếu thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, tỉ lệ thanh toán bằng thẻ tín dụng hiện dưới 5%, điều này cũng ảnh hưởng đến việc phát hành game.
Ông Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc bộ phận phát triển game của VNG, cho rằng các nhà làm game Việt đang gặp khó trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực làm game chất lượng cao, nguồn vốn cũng bị hạn chế khi đầu tư các dự án lớn…
Theo ông Vương Vũ Thắng, ngành GM còn bị ảnh hưởng do việc chậm cấp phép trong lĩnh vực này, các hãng game nước ngoài tại Việt Nam bị buộc phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước, không được phép quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông”.
Nhiều rào cản
Ông Maxim de Wit nhận định: “Ngành GM Việt Nam cần vượt qua nhiều thử thách, như tìm kiếm nhân tài, cơ hội trong lĩnh vực thể thao điện tử hay những “kỹ xảo” cho quá trình tiền sản xuất để làm ra sản phẩm mới. Đa số các xưởng game Việt đều nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên phát triển những game đơn giản và dễ chơi sẽ thực tế hơn”.
Theo đánh giá của nhiều công ty game ở Đông Nam Á, để vượt qua rào cản, biến tiềm năng thành doanh thu thực tế, các nhà sản xuất và nhà phát hành game Việt phải đánh giá mức độ thành công của sản phẩm theo ứng xử, văn hóa của người chơi. Làm game không đơn giản là sản xuất rồi phát hành ồ ạt mà cần hiểu thị trường và nhu cầu người chơi.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành VNG, nhìn nhận: “Tám năm trước, hầu hết các game phát hành đều thành công ngoài mong đợi nhưng vài năm gần đây, thị trường game đã có sự thay đổi lớn. Các nhà phát hành game cũng phải thay đổi mới có thể đuổi kịp xu thế chuyển dịch rất nhanh từ máy tính sang thiết bị di động. Để phát triển, các nhà phát hành GM cần xây dựng hệ thống thanh toán phù hợp với thời kỳ di động....”.
Theo ông Maxim de Wit, nếu vượt qua các rào cản hiện tại, trong vài năm tới, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm phát triển GM ở Đông Nam Á và có thể cạnh tranh với những hãng lớn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nâng tầm để thu hẹp khoảng cách
Ông Tetsuya Mori, Giám đốc điều hành hãng phát triển game quốc tế DeNA, cho biết: “Năm 2013, thị trường GM đạt giá trị 17,6 tỉ USD và năm 2018 dự kiến là 44,2 tỉ USD. Các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều cho rằng các kỹ sư Việt Nam rất giỏi và họ mong đợi chất lượng công việc ở Việt Nam sẽ tăng kịp với thế giới. Tuy nhiên, chuẩn mực của thế giới cũng đang ngày càng vươn xa nhanh chóng. Vì vậy, các nhà làm game Việt Nam phải cố gắng kéo giảm khoảng cách đó. Cần thoát ra khỏi bẫy “giá và hiệu năng” trong ngành game bằng cách giữ vững giá phát hành, đồng thời nâng cao kỹ thuật và nhắm tới mức chuẩn mực của thế giới càng nhanh càng tốt. Có như vậy mới có thể nâng tầm cho GM để gia nhập nền kinh doanh toàn cầu”.
Bình luận (0)