Theo các nhà chuyên môn, để thành công trong một lĩnh vực liên tục có sự thay đổi, các chương trình truyền hình thực tế về ca nhạc phải tạo ra được thật nhiều điều bất ngờ. Song, chương trình vẫn phải bảo đảm chất lượng, trong đó âm nhạc là yếu tố tiên quyết.
Tạo được "chất" riêng
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các tiết mục biểu diễn tại chương trình "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" đều có thứ hạng rất cao trên bảng xếp hạng Âm nhạc thịnh hành YouTube Việt Nam.
Tại đêm chung kết trao giải chương trình "Anh trai say hi", màn kết hợp của 16 "anh trai" với DJ tầm cỡ thế giới Alan Walker đã "đốn tim" khán giả trẻ. Các nghệ sĩ Việt không chỉ thể hiện những bản hit thế giới mà còn viết lại lời cho bản hit mới của ngôi sao quốc tế này đầy thuyết phục.
Ở tập phát sóng mới nhất của "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" với chủ đề "Điểm tựa", khán giả đã dành nhiều lời khen cho các tiết mục biểu diễn. 4 tiết mục nhóm được 28 "anh tài" thể hiện mang đậm màu sắc nghệ thuật dân gian của dân tộc Việt Nam, gồm "Chiếc khăn Piêu" (dân ca Xá, lời Doãn Nho), "Đào liễu" (thể loại chèo cổ), "Dạ cổ hoài lang" (sáng tác: Cao Văn Lầu), "Mưa trên phố Huế" (sáng tác: Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương), đã thực sự thăng hoa, chạm được cảm xúc của khán giả.
Với chương trình "Ca sĩ mặt nạ", một trong những điều tạo được ấn tượng là bản phối độc đáo, mới lạ của ban nhạc Hoài Sa giúp tạo ra "chất" riêng để thu hút số lượt bình chọn của khán giả...
Qua hàng loạt ca khúc hit ở "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" hay "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023"…, nhiều người không khỏi bất ngờ với tốc độ, khả năng sáng tạo của các thí sinh. Các ca khúc cũ đã được biên soạn lại thành những tác phẩm mới ấn tượng.
Sự đầu tư và sáng tạo này không chỉ có ở hai chương trình "hot" nhất gần đây là "Anh trai say hi" (vừa kết thúc) và "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" (phát sóng đến tháng 10). Các chương trình khác như "Vietnam Idol mùa 8" sau 10 năm vắng bóng, "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1" và chuẩn bị lên sóng mùa 2, "The Masked singer" (Ca sĩ mặt nạ), "Rap Việt" hay "Chị đẹp say hi"... cũng được đầu tư tới nơi tới chốn để thu hút người xem.
Các "anh tài" ở "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024" khẳng định họ "diễn như ngày mai không còn được diễn nữa". Ca sĩ Kay Trần nhấn mạnh: "Mọi thứ khi ra mắt khán giả phải hoàn hảo".
Thay đổi diện mạo showbiz
Sức hút của các gameshow ca nhạc thời gian qua đã phần nào làm thay đổi diện mạo showbiz Việt. Với 63 gương mặt xuất hiện trong hai chương trình "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai 2024", khán giả tin rằng ít nhất 10 người sẽ được săn đón ở các chương trình biểu diễn tới đây. Thậm chí, những gương mặt này sẽ khiến một số tên tuổi khác trở nên lu mờ bởi hiệu ứng mà họ có được khi tham gia các gameshow ca nhạc.
Nhìn vào lĩnh vực nhạc Việt hiện nay, game show "Anh trai say hi" đang thắng lớn. 4 trong 5 vị trí hàng đầu của top thịnh hành là các tiết mục từ "Anh trai say hi". MV mới của Negav, đang đứng thứ 3, cũng mang dấu ấn đậm nét từ game show này. Trong 30 vị trí của danh sách thịnh hành âm nhạc trên YouTube hiện tại, có đến 16 sản phẩm từ "Anh trai say hi". Trên TikTok, hashtag "Anh trai say hi" cũng hiện diện ở hơn 220.000 video...
Nhiều kênh sáng tạo nội dung đang đổ dồn vào những nghệ sĩ hiện diện tại 2 game show nêu trên. Mono và Vũ vốn là những ca sĩ chuyên tạo các đoạn nhạc "viral" TikTok. Đến nay, "Đi tìm tình yêu" của Mono được sử dụng cho hơn 2.000 video ở TikTok, còn "Bình yên" của Vũ được dùng cho hơn 5.000 video...
Với làn sóng gameshow ca nhạc trước đây, độ hấp dẫn chủ yếu dựa vào lượt xem trên kênh truyền hình. Giờ đây, với mạng xã hội, sức hút của mỗi cá nhân nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và lan tỏa hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, để bảo đảm cả hai tiêu chí giải trí và giáo dục, cơ quan quản lý cần giám sát chặt hơn nữa việc phát sóng các chương trình âm nhạc. Nhà đài, nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu kỹ nội dung khi xây dựng chương trình và cả trước khi lên hình.
Thực tế cho thấy bên cạnh những ưu điểm như đã nêu, các gameshow ca nhạc vẫn còn nhiều "sạn". Mỗi tập phát sóng thường tràn ngập quảng cáo lồng ghép vào nội dung chương trình. Gây ức chế nhất có lẽ là nhà sản xuất còn buộc người chơi quảng bá sản phẩm một cách lộ liễu...
Nhiều ý kiến cho rằng các gameshow âm nhạc như "Ca sĩ mặt nạ", "La cà hát ca", "Biển của hy vọng", "Sàn chiến giọng hát"... thành công vì đã tập trung vào yếu tố con người, thoát khỏi lối mòn khai thác của những sản phẩm cùng thể loại. Sự khắt khe của khán giả đã buộc nhà sản xuất phải lắng nghe và tự điều chỉnh, thay đổi. Từ đó, nhiều gameshow âm nhạc hấp dẫn, chất lượng cao đã được trình làng.
Bình luận (0)