Ngày 13-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ông đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn. Trước đó, ngày 12-3, ông cũng vừa có chuyến kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2024 tình hình hạn mặn tại ĐBSCL được các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Nước mặn xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15 km, tuy nhiên vẫn thấp hơn đợt hạn mặn mùa khô 2019 - 2020 khoảng 10 - 15 km.
Qua kiểm tra và làm việc với lãnh đạo các địa phương, ông Hiệp cho biết toàn bộ diện tích lúa đông xuân của vùng khoảng 1,5 triệu ha được xuống giống trước một tháng, đến nay đã thu hoạch hơn 600.000 ha, số còn lại cơ bản không bị hạn mặn ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20.000 ha bị ảnh hưởng, chủ yếu tại 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Diện tích này nằm ngoài vùng khuyến cáo và do người dân xuống giống muộn. Đối với các vùng chuyên canh cây ăn trái, được người dân và chính quyền chủ động các giải pháp đề phòng, đang được bảo đảm tuyệt đối. Ngoài ra, sản xuất thủy sản, công nghiệp đang diễn ra bình thường.
Đối với vấn đề nước sinh hoạt, qua rà soát, toàn vùng có khoảng 40.000 hộ dân bị ảnh hưởng. "Đang là thời điểm hạn mặn cao nhất của năm 2024. ĐBSCL sẽ còn đối mặt với hai đợt hạn mặn nữa, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Tuy nhiên, mức độ thiếu nước ngọt được dự báo sẽ thấp hơn đợt cao điểm đang diễn ra" - ông Hiệp nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cùng với các giải pháp công trình lẫn phi công trình đang thực hiện, đề nghị các địa phương ở ĐBSCL bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ về nguyên tắc không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt, không được để không có nước cho sản xuất công nghiệp, không được để ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Mô hình trữ nước ứng phó với hạn mặn
Hạn mặn hầu như năm nào cũng diễn ra nên một số địa phương đã có biện pháp ứng phó khá tốt. Ghi nhận của phóng viên tại Kiên Giang, nhiều năm về trước, hàng ngàn hộ dân sống tại một số vùng ven biển, ven rừng thuộc các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng… luôn đối diện với cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên vào mùa khô. Do cấu tạo địa chất đặc biệt, nhiều nơi không khoan được giếng nước ngầm, trải đều trên một vùng rộng lớn.
Nhưng nay đã khác. Mở van vòi nước cho mấy đứa cháu tắm giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, ông Phạm Văn Dưng (69 tuổi, ở ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) đưa hai tay hứng từng vốc nước rửa mặt như đang cảm nhận sự khoan khoái bởi cái mát ngọt của dòng nước.
Ông bảo mấy chục năm sống ở vùng này, không ai dám nghĩ đến có ngày mở van ra là có nước sạch để sử dụng. Chỉ tay về phía bên kia con sông nước mặn, nơi có công trình hồ chứa nước 600.000 m3, phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh, ông Dưng nói tiếp: "Kể từ khi có hồ này, giấc mơ nước ngọt của hàng ngàn hộ dân nơi đây đã thành hiện thực".
Công trình hồ An Minh tại huyện An Minh được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2021 đã giải quyết "cơn khát" vào mùa khô cho hơn 4.000 hộ dân và hiện được mở rộng mạng lưới đường ống đến hàng ngàn hộ dân lân cận. Đây là dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn của Bộ NN- PTNT đầu tư tại Kiên Giang.
Dự án có 9 công trình thi công, tổng chiều dài 118 km, đường kính ống từ D63 đến 160 mm và lắp đặt đồng hồ, các phụ kiện cho hộ dân, với tổng mức đầu tư 73,88 tỉ đồng. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại những vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng ven biển, hải đảo, tập trung tại 9 xã của 7 huyện An Biên, An Minh, Giang Thành, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Hải.
Hiện nay, ngoài hồ An Minh, khu vực nông thôn, vùng biển đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 54 trạm cấp nước và 3 hồ chứa nước quy mô lớn là hồ Dương Đông (TP Phú Quốc), 2 hồ An Sơn và Bãi Nhà (huyện đảo Kiên Hải), cung cấp nguồn nước cho các trạm, nhà máy phục vụ nước sạch sinh hoạt cho dân cư vùng nông thôn, biển đảo.
Không xuống giống ở vùng xâm nhập mặn
Trong công điện gửi các tỉnh ĐBCSL, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.
Các địa phương tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và bản tin của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để làm cơ sở tổ chức giải pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục khuyến cáo người dân không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ xuống giống khi có mưa hoặc khi nguồn nước cung cấp ổn định.
Văn Duẩn
Bình luận (0)