Mấy tháng trước, bà Tuệ (72 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) bị trượt chân ngã trong nhà tắm. Một mình ở nhà, bà cố bò ra ngoài lấy điện thoại để gọi con trai nhưng bất lực vì quá đau.
Chênh vênh
Chiều muộn, con dâu bà Tuệ trở về nhà, vội vàng đỡ bà lên giường, lau vết thương, dặn mẹ cẩn thận rồi lại tất bật làm việc nhà. "Tự dưng tủi thân, nước mắt tôi chảy dài. Tôi có con, có cháu nhưng cả ngày chỉ thui thủi một mình, ngã đau cũng đành chịu" - bà Tuệ thở dài kể.
Bà Tuệ có 2 người con, 3 năm nay chồng mất, sức khỏe sa sút, bà về sống cùng vợ chồng con trai. Thế nhưng, vì công việc, con trai bà Tuệ thường đi làm về khuya, con dâu cũng về trễ rồi lao vào làm việc nhà, 2 đứa cháu đi học từ sáng sớm, đến tối mịt về nhà ăn uống, vệ sinh rồi vào phòng học tiếp.
"Thực tế, các con không để tôi thiếu thứ gì - thuốc men, bánh trái muốn gì cũng có nhưng tôi lại chẳng thấy vui mấy. Mỗi ngày gặp mặt, nói chuyện với con cháu được vài ba phút, chỉ đủ để chào hỏi hay thông báo một chuyện gì đó. Còn lại những tâm sự, những câu chuyện muốn nói cùng nhau thì không có thời gian. Lâu lâu có bữa cơm ngồi cùng nhau, chúng nó cũng chỉ nói chuyện công việc, ăn xong thì người ôm điện thoại, người máy tính, mình như người thừa" - bà Tuệ tâm sự.
Minh họa: KHỀU
Là một phụ nữ thành đạt, gia đình được xem là hạnh phúc nhưng đôi khi bà Thu (50 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) lại giật mình vì gia đình dường như đang thiếu sự ấm áp cần có, càng ngày càng vắng những câu chuyện vợ chồng, con cái kể cho nhau nghe rồi cùng cười vang; vắng những buổi cà phê, ăn sáng cuối tuần cùng nhau ở quán.
Cứ 7 giờ sáng, người tất tả đi làm, người đi học. Tối về, dù mệt, bà Thu cũng cố gắng duy trì bữa cơm gia đình. Vậy mà không hiếm khi chồng, con trai bận họp, tiếp khách, tăng ca về trễ hoặc không ăn tối. Không đủ các thành viên, bà Thu và con gái cũng ăn vội vàng rồi ai làm việc nấy.
"Tôi vẫn hay bóng gió nhắc nhở, chồng con cũng hiểu bữa cơm gia đình quan trọng nhưng vì công việc, cứ tự nhủ gia đình mà, không ăn cùng nhau hôm nay thì ngày mai… Nhiều khi ngồi ăn cùng nhau nhưng tâm trí mỗi người đều để ở chỗ khác. Cứ thế chẳng mấy chốc dù sống cùng nhà mà không hiểu nhau, xa cách dần" - bà Thu lo lắng.
14 tuổi, học giỏi, gia đình khá giả nhưng Hoàng Minh (ngụ quận 10, TP HCM) vẫn thường tâm sự với bạn là "chán đời". Ba mẹ Minh vắng nhà liên tục, bữa cơm hằng ngày có người giúp việc lo, nhắc nhở học hành được giao cho gia sư, đưa đón đi học đã có Grab car.
"Đã lâu lắm rồi em chưa được ngồi ăn cơm cùng ba mẹ; chưa bao giờ nghe ba mẹ hỏi em có mệt không, học ở trường ra sao…? Em cần ba mẹ dành một chút thời gian cho em, biết em đang nghĩ gì, gặp vấn đề gì, muốn chia sẻ gì… mà dường như là không thể" - Hoàng Minh tâm tư.
Tổ ấm phải ấm
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, nhà là nơi yên bình và ấm áp nhất, thế nhưng thực tế hiện nay rất nhiều người thấy cô đơn giữa gia đình và đây là một vấn đề cấp bách của thời hiện đại. Xã hội phát triển, công nghệ phát triển, con người bận rộn hơn thì những vấn đề về cảm xúc, sự gắn kết lại bị xem nhẹ.
"Mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ngày nay bị chi phối, đan xen bởi tiền bạc, nhịp sống hối hả, sự phụ thuộc vào công nghệ, lối sống cá nhân, nền nếp, kỷ cương gia đình bị suy giảm…khiến cho sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.
Cha mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc hay những áp lực về cơm áo gạo tiền, các mối quan hệ xã hội và sự thành công cá nhân. Con cái bị cuốn vào cuộc sống số, áp lực học hành…
Người già dù sống cùng con cháu nhưng lại không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, luôn cảm thấy mình là gánh nặng… Cứ thế, tổ ấm lạnh dần, con người thấy cô đơn giữa những người thân" - bà Phương Trang phân tích.
Cùng quan điểm, chuyên gia Phạm Kim Thoa cũng cho rằng khác với gia đình truyền thống, kết cấu gia đình Việt Nam hiện dần lỏng lẻo, dần xa nhau bởi ảnh hưởng cuộc sống công nghiệp hối hả.
Con cái mải học, mải chơi, vợ chồng ai lo việc người đó, không gian bếp nổi lửa ít dần, những lần cha mẹ, con cái ngồi cùng nhau để trò chuyện, tâm sự cũng thưa thớt. Lạnh nhạt dần sẽ trở nên nguội lạnh và như giọt nước tràn ly, gia đình sẽ không còn.
"Phải biết quý trọng từng giờ, từng phút thời gian được ở cùng nhau. Ví dụ, ngồi ăn cùng nhau, nên "giấu biệt" điện thoại, vừa ăn vừa trò chuyện để sẻ chia, thấu hiểu và giải tỏa stress. Nên quy định thời gian dành cho gia đình dù chỉ là một ngày trong tuần hoặc tháng.
Lúc đó, hãy mạnh dạn bỏ hết chuyện bên ngoài xã hội, chỉ có chuyện gia đình đang và cần quan tâm. Đặc biệt, dù ở vị trí nào, công việc nào thì hãy cố gắng duy trì ít nhất 1 bữa cơm gia đình/ngày bởi đó là thời điểm các thành viên trong gia đình có thể ngồi gần lại với nhau, vun đắp tình cảm gia đình. Bữa ăn gia đình sẽ quyết định đến ấm no, hạnh phúc gia đình" - chuyên gia Phạm Kim Thoa khuyên.
Bình luận (0)