Gần đây, mẹ chồng chị L.T.D.Đ (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên "ôm" điện thoại, "lướt" ngày đêm, có lúc đến 1 giờ sáng.
Chìm đắm trong thế giới ảo
Bà N.T.P (66 tuổi, mẹ chồng chị Đ.) là giáo viên tiểu học đã về hưu, chồng mất đã 4 năm. Thấy bà P. ban ngày thui thủi một mình vì các con đều đi làm, các cháu đi học, vợ chồng chị Đ. mua điện thoại "xịn" để mẹ bầu bạn.
Lúc đầu, bà P. chỉ xem video hướng dẫn nấu ăn, trang trí nhà cửa, trồng cây…, dần dần bà lướt đến những clip "đấu tố" nhau, video quảng cáo thực phẩm chức năng... Liên tục cập nhật trend (xu hướng) trên mạng xã hội (MXH) đã trở thành niềm vui của bà và là đề tài để bà kể chuyện trong bữa cơm gia đình.
"Ngày trước bà mê cháu, giờ có lúc cháu muốn chơi với bà nội, bà cũng mặc, nói vài ba câu chiếu lệ rồi bà tiếp tục ôm điện thoại xem clip, tủm tỉm cười. Chưa kể, trên Facebook không nơi nào là không thấy bà.
Họ hàng, bạn bè ai đăng gì cũng bấm like, thả tim, vào bình luận này nọ. Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng bà cũng tin "sái cổ" rồi chia sẻ. Đau đầu nhất là vì tò mò, bà hay click vào xem bất kể đường link nào nổi lên khiến chúng tôi nơm nớp lo vì tình trạng lừa đảo trên mạng hiện quá nhiều" - chị Đ. than thở.
"Bị" shipper ghé nhà thường xuyên, anh T.G.N (33 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đi từ ngạc nhiên (vì không đặt mua) đến bực mình.
"Cách đây gần 1 năm, tôi mua tặng ba tôi điện thoại thông minh vì nghĩ đây là cách giúp tuổi già thêm vui và cũng để ba tiện liên lạc, xem thông tin của con cháu, họ hàng, bạn bè. Thời gian đầu, thấy ba ngày nào cũng líu lo trò chuyện bên điện thoại, tôi cũng vui lây.
Nhưng sau đó, ba bắt đầu tiếp cận livestream bán hàng online rồi bình luận, hỏi giá, "chốt" đơn. Lâu dần, những thiết bị công nghệ đắt tiền, thực phẩm chức năng "thần thánh" đều có mặt trong nhà" - anh N. cười như mếu chia sẻ.
Hàng nhận được thì "vàng thau lẫn lộn", nhiều lần anh N. góp ý, giải thích nhưng ba anh ậm ừ cho qua chuyện rồi tiếp tục mua hàng. Cũng vì chuyện này mà thỉnh thoảng cha con lại giận nhau.
Trong khi đó, với chiếc điện thoại thông minh, mẹ chị N.T.T (28 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) thường đắm mình trên Facebook, YouTube... theo dõi hàng loạt diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng trên MXH và thường xuyên vào bình luận.
"Đợt trước, nổi lên vụ nghệ sĩ, người nổi tiếng bị tố ăn chặn tiền từ thiện, mẹ tôi buồn cả tháng. Bây giờ cảm xúc vui buồn của mẹ theo MXH. Cũng từ khi biết chơi Facebook, mẹ theo dõi con cháu rất sát.
Có lần, tôi đăng ảnh đi chơi với đồng nghiệp tại nhà hàng trong khuôn viên khách sạn. Mẹ lập tức điện thoại hỏi tôi đang ở đâu, đi đâu mà vào khách sạn…? Tôi phải giải thích nhiều lần mẹ mới nghe. Để không bị áp lực, từ lần đó, tôi lẳng lặng hủy kết bạn Facebook với mẹ" - chị T. kể.
Sử dụng mạng xã hội thông minh, chừng mực
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, người già "nghiện" MXH là dấu hiệu của sự cô đơn. Thực tế, từ sau khi nghỉ hoạt động bên ngoài xã hội, toàn bộ thời gian họ đều ở trong nhà trong khi con cháu đều đi làm khiến họ có cảm giác trống rỗng.
Nhu cầu tiếp cận thông tin xã hội, trao đổi, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình... đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng (thông qua clip sự kiện, thông tin chia sẻ trên Facebook, Zalo cá nhân, bình luận, chốt đơn hàng...) nên dần dần công cụ này trở thành người bạn thân thiết của người già.
"Người già và trẻ em đều dễ lạm dụng MXH nhưng người già có nhiều thời gian rỗi hơn nên họ sử dụng MXH cũng nhiều hơn. Họ cũng thường dễ tin vẻ hào nhoáng bên ngoài và những lời "có cánh" nên dễ trở thành "con mồi" của các đối tượng lừa đảo" - ông Nguyễn Hải An phân tích.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hải An nói để "kéo" người già khỏi MXH, con cháu nên dành thời gian cho họ nhiều hơn. Đồng thời cần trao đổi thông tin, cảnh báo và hướng dẫn cách sử dụng MXH thông minh và an toàn để tránh bị lừa đảo hoặc vô tình chia sẻ những thông tin giả, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, cho rằng MXH đã thay cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người già.
"Người già dùng MXH là việc tốt, họ có thể chia sẻ kiến thức, giao lưu bạn bè, hội nhóm trên mạng để có nhiều niềm vui hơn. Thực tế, Facebook, Zalo, TikTok… đã phần nào giúp người già tránh được cảm giác cô đơn, buồn chán khi con cháu bận rộn.
Sử dụng MXH cũng giúp não bộ người già hoạt động tích cực, kéo dài tuổi thọ. Người già dùng MXH là dấu hiệu của sự minh mẫn" - bà Nguyễn Thị Phương Trang nhận định.
Tuy nhiên, bà Phương Trang lưu ý đã có những rắc rối cho người dùng MXH do thiếu thông tin (nhiều nhất là bị lừa đảo), nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi cha mẹ theo dõi con trên MXH đã dẫn đến hiểu lầm, làm tổn thương nhau... Vậy nên, cần cân bằng quỹ thời gian và cẩn trọng khi dùng MXH để không ảnh hưởng đến cuộc sống đời thực và tránh những rắc rối làm tổn hại đến tình cảm, uy tín, tài sản...
Bình luận (0)