Là chuyên viên marketing tại một công ty sản xuất gạch men, con trai đang học lớp 6, chị An Chi (36 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết từng có thời gian bị stress nặng khi phải vừa chu toàn việc nhà vừa hoàn thành tốt công việc ở công ty.
48 giờ/ngày cũng không đủ
14 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Chi kết hôn, trở thành "người vợ truyền thống" - ở nhà để có thời gian chăm sóc con. Đến khi con vào cấp I, chị xin đi làm lại.
"Từ ngày đó, tôi không còn thời gian để thở. Mở mắt ra là lo cho con ăn uống, đi học rồi lại vội vã đến chỗ làm. Tan làm, tôi đón con, ra chợ mua ít thức ăn rồi quày quả về nhà nấu ăn, rửa chén, dạy con học, dọn dẹp, giặt ủi quần áo, làm một số công việc gấp của công ty… Nhìn đồng hồ có khi đã gần 23 giờ, mệt rã rời.
Ngày nào cũng như ngày đó. Cuối tuần, tôi còn chở con đi học thêm, chơi thể thao và làm những công việc nhà mà trong tuần chưa có thời gian. Tôi mệt mỏi, hụt hơi liên tục, luôn thấy bất lực, khổ tâm bởi hàng núi công việc chờ mình giải quyết. Cảm giác dù có 48 giờ một ngày cũng không đủ để giải quyết xong công việc. Không khí gia đình vì vậy cũng nặng nề hơn" - chị Chi kể.
Được bạn bè gợi ý, chị Chi tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn. Dần dần, chị đã biết rũ bỏ áp lực, cân bằng công việc. "Tôi bàn bạc, đề nghị và phân công chồng, con cùng chia sẻ việc nhà. Vì cùng làm nên chồng, con có trách nhiệm với gia đình hơn, không bày bừa như trước đây… Điều quan trọng nhất là bây giờ, tôi cảm thấy tư tưởng, tâm lý thoải mái, biết trân trọng những gì mình làm và vui vì điều đó" - chị tâm sự.
Chị Lương Thị Lý (40 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) cũng từng có khoảng thời gian khó khăn khi phải gồng mình để "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Là trưởng nhóm dịch vụ giao nhận hàng tại một công ty logistics, chị luôn "tối mày tối mặt" với công việc. Trong khi đó, với tính cách kỹ càng, ưa sạch sẽ, không thích cơm hàng cháo chợ, chị phải tự tay làm việc nhà vì không thuê được người giúp việc vừa ý.
"Sức người có hạn, cố gắng một thời gian dài làm tôi đuối sức, căng thẳng. Hai năm trước, tôi quyết định nghỉ việc, tìm công việc hiện tại - quản lý nhân sự cho một công ty khác, thu nhập không bằng lúc trước nhưng có nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình.
Lựa chọn thay đổi môi trường làm việc không phải là quyết định dễ dàng vì phải đánh đổi nhiều thứ. Thế nhưng, nếu nghĩ thoáng hơn, những thứ tôi nhận được lại rất lớn, đó là sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, công việc vì thế hiệu quả hơn. Tôi vẫn có thể cáng đáng việc nhà mà vẫn cống hiến tốt cho xã hội" - chị Lý khẳng định.
Trong khi đó, chị Thảo Ly (29 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) hiện vẫn còn loay hoay giữa sắp xếp việc nhà và việc bệnh viện. Ly cho biết những ngày tháng độc thân, công việc điều dưỡng ở bệnh viện dù vất vả nhưng sau ca trực, chị được nghỉ bù, ngủ đến lúc nào thích thì dậy. "Có chồng con rồi, sau ca trực đêm, tôi có mệt cũng phải cơm nước, dọn dẹp, chăm con… Việc nhà chất đống, đâu thể làm ngơ. Hy vọng con lớn hơn một chút, biết tự chăm sóc thì mình cũng sẽ đỡ hơn" - chị bày tỏ.
Đừng quá chỉn chu!
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, phụ nữ ngày nay không còn bị bó buộc ở nhà làm nội trợ mà có quyền lựa chọn con đường sự nghiệp của mình. Thế nhưng, để cân bằng giữa việc công sở và chăm lo gia đình là điều không dễ.
"Nên đặt ra mục tiêu và cân đối trong từng thời điểm. Đừng để những việc không ưu tiên đánh mất thời gian, đừng để vì gia đình mà đánh mất đam mê trong công việc, cũng đừng vì công việc cuốn mình mà bỏ quên gia đình. Ngoài ra, phụ nữ cũng cần yêu thương bản thân từ những điều đơn giản nhất, như tập thể dục, chăm sóc da, quần áo…" - bà gợi ý.
Chuyên gia Mai Thanh Thủy cho rằng phụ nữ cần tận dụng tối đa thời gian ở văn phòng để bảo đảm tiến độ công việc, nhờ đó mới có thể sắp xếp quỹ thời gian dành cho gia đình, bản thân. "Ngoài ra, đừng hướng đến sự hoàn hảo. Ở khía cạnh nào đó, điều này không thật sự tốt. Hãy hoàn thành công việc bằng tất cả khả năng nhưng không cần phải chỉn chu đến từng chi tiết" - bà khuyên.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An cho rằng phụ nữ là vợ, là mẹ nên bản năng là yêu thương và vun vén gia đình. Cần học cách cân bằng thời gian và sắp xếp hợp lý, khoa học công việc trong ngày để vừa thành công vừa có được hạnh phúc trọn vẹn.
Ông Hải An nhìn nhận: "Vợ chồng cần lắng nghe câu chuyện, cảm xúc của nhau, cùng giải quyết rắc rối và luôn là điểm tựa của nhau. Được như thế, chúng ta mới có động lực, sức mạnh lèo lái con thuyền gia đình đến bến bờ hạnh phúc. Phụ nữ cũng cần hiểu rằng thật khó để làm tốt cùng lúc nhiều việc, mà nên chọn công việc vừa đủ để phát huy được sở trường, nuôi dưỡng đam mê nhưng không bỏ bê gia đình".
Bình luận (0)