Chẳng biết từ bao giờ, gia đình quây quần bên bữa cơm lại trở nên xa xỉ với chị Ngọc Vy (35 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) hoặc có cũng là những lời lớn tiếng trách móc.
Bỏ hết tâm trí vào game
"Đi làm về đến nhà, tôi chưa kịp thay quần áo đã phải lao vào nấu nướng, tắm cho con, dọn dẹp... Chồng thấy nhưng dửng dưng, cứ dán mắt vào màn hình máy tính chơi game" - chị Vy tâm sự.
Chị Vy chia sẻ lấy chồng, chị tin tưởng hôn nhân sẽ hạnh phúc bởi cả hai đến với nhau từ tình yêu. Mỗi cuối tuần, vợ chồng lại cùng chăm sóc cây, đi mua sắm, xem phim...
Nhưng rồi chồng chị kinh doanh thất bại, chán nản, anh lao vào chơi game. Lúc đầu, chị Vy không phiền, nghĩ đó cũng là cách giúp anh khuây khỏa nhưng không lâu sau, chị nhận ra mình đã sai lầm.
Lao vào game, chồng chị như là một người khác. Mẹ con chị thường xuyên bị tra tấn tinh thần vì những cay cú thua game hoặc mất mạng internet. Anh la hét, đập bàn ghế, có lúc nửa đêm anh liên tục chửi thề khiến chị và con không thể nào chợp mắt. Có lúc bận việc, nhờ chồng trông con, về nhà hỏi con đâu thì anh trả lời "không biết" rồi lại chơi game.
"Lấy chồng lười thì đổ mồ hôi, lấy chồng ham chơi thì rơi nước mắt. Từ là người bạn đời đồng điệu, thương vợ con, anh trở nên ham chơi, lười nhác, thỉnh thoảng còn ngang ngược, quát mắng mọi người vì trận game. Thật sự tôi quá mệt mỏi" - chị Vy thở dài.
Gần 5 năm kể từ ngày kết thúc mối quan hệ hôn nhân, chị An Nhiên (36 tuổi; quận 7, TP HCM) vẫn chưa dám tìm hiểu ai. Mỗi ngày vui vẻ với công việc 8 giờ ở công ty, tan làm chị ôm chồng sách, hết lòng với những dự án.
Trước khi lấy chồng, biết anh thích chơi điện tử nhưng chị không nghĩ lại nghiêm trọng đến vậy. Giờ tan làm về nhà, anh rôm rả với bạn game, ôm điện thoại đến khuya.
Chị có nấu món nào ngon, anh cũng chẳng quan tâm, ăn lấy lệ rồi tiếp tục chơi game, đến mức đau đầu, mệt mỏi. "Anh luôn nạt nộ, khó chịu. Đỉnh điểm, tôi phát hiện anh nhắn tin hẹn hò với bạn gái chơi game. Khuyên ngăn nhiều lần không được, tôi quyết dứt áo ra đi" - chị Nhiên kể.
Mấy năm trước, anh Tấn Vũ (28 tuổi, TP Thủ Đức) cũng mê game, suốt ngày cắm mặt vào máy tính từ đêm đến rạng sáng mới đi ngủ, ăn tại chỗ, quên cả đi vệ sinh.
"Không biết phải nói sao nhưng chơi game cuốn hút lắm. Ở trong game, tôi tìm thấy được mình. May mà vợ tôi cao tay, quyết liệt trao gánh nặng kinh tế nên buộc tôi phải dần dần thay đổi vì không còn thời gian" - anh Vũ nói.
Thủ thỉ lời yêu thương
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy, nghiện game là một chứng bệnh rối loạn tâm thần mới. "Ban đầu người ta tìm đến game để trốn muộn phiền, tìm niềm vui.
Nhưng game như một loại "ma túy" cuốn người chơi vào vòng xoáy ảo, khiến họ trở nên ích kỷ, chỉ muốn làm theo cái mình thích hơn là quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của người khác; từ đó đánh mất trách nhiệm của người chồng, người cha, người con.
Nghiện game cũng sẽ khiến người chơi mất ý chí, nỗ lực phấn đấu, bỏ bê đời sống hôn nhân. Đôi khi yếu tố bạo lực của game làm ảnh hưởng đến tính cách người chơi" - bà Thanh Thúy cảnh báo.
Để người thân không sa đà vào game, cần hết sức khéo léo, lôi kéo họ vào hoạt động chung của gia đình, đặt ra mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới để cùng thực hiện, tránh dùng lời lẽ mang tính phán xét vì dễ đẩy quan hệ hôn nhân vào ngõ cụt.
Chuyên gia Phạm Kim Thoa cũng cho biết nghiện game là lúc người chơi không còn làm chủ được mình, bị cuốn theo và phụ thuộc vào game. Ở trong game, người chơi được bộc lộ cái tôi, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai.
Hiện xã hội chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của việc nghiện game. Nhiều người nghĩ rằng chơi game vẫn tốt hơn cờ bạc, rượu chè... vì không vi phạm đạo đức, không tốn nhiều tiền bạc. Tuy nhiên, khi nghiện game quá độ, người chơi sẽ bị phụ thuộc vào đó, đánh mất chính mình.
Đưa ra cách "trị" chồng nghiện game, chuyên gia Phạm Kim Thoa cho rằng người vợ nên bày tỏ nhiều hơn sự quan tâm đến chồng, thủ thỉ những lời nói yêu thương nhưng dứt khoát trong việc đề nghị chồng dừng việc chơi game quá đà, nói để họ hiểu đâu là giá trị của gia đình. Ngoài ra, cần tìm hiểu tại sao chồng nghiện game, nguyên nhân từ đâu để có giải pháp hiệu quả.
Bình luận (0)