Đợt thi cuối năm đang diễn ra ở khắp các cấp học phổ thông. Con kiểm tra cuối kỳ, cha mẹ lo sốt vó!
Điểm số cao hay thấp nếu chỉ đơn thuần là thang đánh giá hiệu quả và chất lượng giáo dục để có những điều chỉnh kịp thời, uốn nắn đúng lúc, hỗ trợ và thúc đẩy quá trình học tập trong nhà trường phổ thông thì chẳng có gì phải bàn cãi. Chỉ là nhiều người đang biến bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ trở thành bức tường cao ngất buộc trẻ phải dốc sức leo trèo, vượt chướng ngại vật với đích đến là điểm số tuyệt đối.
Con điểm tuyệt đối đã và đang khiến nhiều trẻ tiểu học phải thắc mắc bằng đôi mắt ầng ậng nước. "Điểm 9 không phải là điểm giỏi ạ?". Con điểm tuyệt đối khiến nhiều đứa trẻ cấp trung học phải ganh đua cật lực, hòng giành giật từng gạch đầu dòng với điểm số tính đến từng chữ số thập phân.
Và con điểm tuyệt đối tạo bức tranh bi hài trong giáo dục: Mặc kệ năng lực, sở trường và sở đoản của từng đứa trẻ ra sao, trẻ buộc phải giỏi đều, giỏi toàn diện, giỏi xuất sắc!
Chúng ta vẫn hay ném cái nhìn định kiến về phía ngành giáo dục, nhà trường cùng giáo viên đã dồn ép áp lực học hành cho trẻ. Nhưng chúng ta quên mất chính phụ huynh mới là nguồn cơn tạo cơn sốt điểm 10, cuộc đua học thêm, đích đến trường chuyên lớp chọn!
Tuổi đến trường làm bạn với con chữ còn xa, không ít phụ huynh đã lao xao dò hỏi nhau địa chỉ luyện chữ, đánh vần, làm toán. Rồi bắt trẻ rời lớp mầm non chuyển sang nhà giáo viên học chữ. Dẫu năm nào ngành giáo dục cũng ra công văn chấn chỉnh tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1, chuyên gia liên tục cảnh báo về hệ lụy đằng sau cuộc đua đọc thông viết thạo nhưng mẹ cha nào có thể bình chân như vại trước những đồn đoán và định kiến "sợ con vào lớp 1 lơ ngơ như vịt lạc đàn".
Trẻ mới mon men làm quen việc học, phụ huynh đã hối hả gửi con đến nhà cô giáo sau một ngày bán trú ở trường. Bao nhiêu mẹ cha chấp nhận điểm số thấp lè tè của con với sự an yên trong tâm hồn bởi năng lực thực tế của trẻ cần được đánh giá sát sao và quan trọng là cơ hội cải thiện điểm số còn ở phía trước?
Bao nhiêu mẹ cha bình tĩnh xác định với con rằng học trường nào cũng không quan trọng, cốt yếu vẫn là thực lực của mỗi người và bầu nhiệt huyết học tập, nỗ lực, phấn đấu?
Bao nhiêu mẹ cha đủ dũng khí khuyên can và bảo ban con chuyển hướng trường nghề với cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong khi tấm bằng đại học trong quan niệm nhiều người vẫn là tấm vé thông hành vào đời?...
Con số ấy có lẽ sẽ khá khiêm tốn!
Nên trẻ vẫn bôn ba khắp các lớp học thêm, học kèm, học trung tâm ngoài giờ đến trường; bỏ qua muôn vàn cơ hội tích lũy kỹ năng sống, gắn kết chất lượng với gia đình, bè bạn.
Trẻ đang thiếu hụt trầm trọng năng lực tự học, kỹ năng tự lập, cách làm chủ cảm xúc và điều tiết hành vi phù hợp với chuẩn mực đời sống. Trẻ đang lớn lên trong vỏ bọc của "gà công nghiệp" khiến chúng ta hớt hải lo lắng bởi con vô tâm đến mức vô cảm trước nỗi vất vả của mẹ cha, nỗi đau của bè bạn và muôn mặt đời sống.
Đó là hệ lụy tất yếu của kỳ vọng thành tích từ gia đình cộng hưởng với bệnh thành tích từ ngành giáo dục.
Bình luận (0)