Ngày 22-1, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2024.
Giải ngân hơn 24.000 tỉ đồng
Theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2024 các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tổng hợp thì các chủ đầu tư phối hợp cùng địa phương giải ngân số vốn hơn 24.200 tỉ đồng.
Trong đó, một số địa phương có số vốn bồi thường giải ngân cao là TP Thủ Đức (hơn 9.000 tỉ đồng), quận Bình Thạnh (6.300 tỉ đồng), quận 8 (khoảng 3.000 tỉ đồng), quận Bình Tân (hơn 2.300 tỉ đồng)…
Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay TP Thủ Đức đang xây dựng kế hoạch giải ngân vốn bồi thường.
Trên địa bàn TP Thủ Đức có nhiều dự án lớn, nhiều chủ đầu tư nên ông Quyết đề xuất Tổ Công tác 2591 (về rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) của thành phố có buổi làm việc với TP Thủ Đức, từ đó xác định rõ số vốn để hoàn thiện kế hoạch trong tháng 1 này.
"TP Thủ Đức cố gắng triển khai kế hoạch công tác bồi thường năm 2024 trên tinh thần giải ngân hơn 95% như chỉ đạo của thành phố" - ông Mai Hữu Quyết nói.
Gò Vấp là địa phương đạt thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm nay, đặc biệt là ở dự án rạch Xuyên Tâm với số vốn bồi thường 350 tỉ đồng.
Với huyện Nhà Bè, theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương còn thiếu vốn bồi thường ở một số dự án để chi trả cho người dân và kiến nghị sớm giải quyết vấn đề này vì sắp hết thời gian chi trả cho người dân. Ngoài ra, huyện Nhà Bè cũng đang thiếu nền tái định cư nên cần sớm giải quyết vì đây là vấn đề mấu chốt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho hay năm 2024, ban triển khai hàng chục dự án với tổng vốn bồi thường lớn.
Để mọi việc tiến triển, ông Hùng đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ trong công tác vận động người dân sớm nhận tiền, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Nếu làm tốt công tác này thì cuối năm nay sẽ kịp khởi công dự án Vành đai 2 gồm 2 đoạn từ Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), dự án cầu đường Nguyễn Khoái (quận 4 qua quận 7)…
Gấp rút bàn giao mặt bằng
Tại hội nghị, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thông tin để thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2024 thì lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM đã có kết luận. Theo đó, năm nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cố gắng giải ngân trong tháng 6-2024, sau đó bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư để giải ngân vốn xây lắp vào tháng 7-2024.
Sở TN-MT đã có công văn hướng dẫn các địa phương thực hiện với 19 nội dung. Trong đó, quan trọng nhất là rà soát lại các dự án, xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai của từng dự án. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng bố trí quỹ nền, nhà tái định cư ngay.
Với những căn hộ chung cư cũ, Sở Xây dựng cũng phải tham mưu UBND TP HCM làm theo trình tự thủ tục nhanh hơn nhằm bảo đảm vào tháng 4 hoặc tháng 5 có quỹ nhà tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Võ Trung Trực cũng cho biết theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thì hệ thống chính trị tại địa phương phải đồng lòng, chia sẻ và phối hợp với cán bộ thực hiện công tác bồi thường để vận động người dân chấp hành, ủng hộ thực hiện các dự án, nhận tiền và bàn giao mặt bằng sớm. Ở đây, vai trò của Bí thư Quận ủy, Huyện ủy và Thành ủy Thủ Đức rất quan trọng.
"Với tiến độ đề ra trong tháng 6-2024 thì chúng ta tăng cường công tác vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng sớm theo khoản 2, điều 67 của Luật Đất đai 2013. Cách chúng ta triển khai các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024 trên địa bàn thành phố tương tự như dự án Vành đai 3 thì mới bảo đảm tiến độ đề ra" - ông Võ Trung Trực nói.
Một trong những tồn tại thời gian qua là kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận, huyện hoàn thành chậm nên cũng ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Về vấn đề này, ông Võ Trung Trực cho hay Sở TN-MT đã nhìn thấy nên cuối năm 2023 sở đã có 3 văn bản gửi các địa phương, đề nghị khẩn trương đề xuất thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm để bảo đảm Sở TN-MT trình thành phố thông qua vào kỳ họp tháng 1-2024.
"Có một số địa phương triển khai rất chậm, do đó Giám đốc Sở TN-MT đã giao cho thanh tra sở kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến xây dựng và trình kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Tôi hy vọng năm 2024 các địa phương trình kế hoạch sử dụng đất sớm nhất để Sở TN-MT thẩm định trình UBND TP HCM" - ông Võ Trung Trực nói.
Có thể thu hồi trước thời hạn thông báo
Điều 67 Luật Đất đai 2013 có nội dung về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 điều này thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
Bình luận (0)