Công dân số (CDS) đóng vai trò trung gian nối kết cả 3 trụ cột (Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số) của chuyển đổi số (CĐS). Nhiều địa phương, từ cấp xã - phường tới quận - huyện rồi cấp tỉnh - thành, đã đầu tư nhiều tiện ích, ứng dụng để giúp người dân trở thành CDS.
Thuận tiện cho người dân
Chủ trì chương trình Chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tổ chức vào tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi cho cả cơ quan chức năng nhà nước lẫn người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.
Các ứng dụng, tiện ích CDS - chính quyền số được trển khai với hai hình thức: ứng dụng riêng biệt chạy trên nền internet và ứng dụng con (mini app) tích hợp trong ứng dụng mạng xã hội như Zalo. Số đông địa phương đã chọn hình thức tích hợp ứng dụng CDS của mình vào nền tảng Zalo để vừa nhanh, vừa giảm chi phí, vừa tiện cho người dân (họ không cần tải ứng dụng riêng biệt về cài đặt mà chỉ cần vào tài khoản Zalo cá nhân và truy cập vào mục mini ứng dụng số của địa phương).
Theo số liệu của Zalo, hiện có hơn 417 mini app của cơ quan nhà nước và khối tiện ích đang hoạt động trên Zalo, phục vụ hơn 5,7 triệu người dùng chỉ sau hơn một năm triển khai dịch vụ này cho cơ quan nhà nước và các khối đơn vị tiện ích.
Tháng 10-2024, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đã đưa Zalo Mini App "Hoa Thuan Tay Smart" vào hoạt động. Ông Võ Lê Anh, Chủ tịch UBND phường, chia sẻ: "Zalo là một trong những nền tảng công nghệ thiết yếu trên điện thoại với khoảng 77 triệu người dùng. Rất nhiều người Việt Nam sử dụng thành thạo Zalo, trong đó bao gồm cả những người lớn tuổi và các đối tượng lao động không thành thạo sử dụng các thiết bị điện tử".
Do đặc điểm vùng cao miền núi nhiều trở ngại về hệ thống giao thông, nhiều tỉnh miền núi ở phía Bắc đã sớm xây dựng những ứng dụng chính quyền số. Năm 2023 là cao điểm ứng dụng CDS của nhiều tỉnh thành, ngay từ tháng 5-2022, tỉnh Lạng Sơn đã khai trương nền tảng "CDS Xứ Lạng"; tỉnh Điện Biên với siêu ứng dụng di động "Điện Biên Smart", tỉnh Lào Cai với mini app "Lào Cai Số", tỉnh Yên Bái với "YenBai-S", tỉnh Hòa Bình với "CDS Hòa Bình"…
Thực tế cho thấy xây dựng được ứng dụng có vẻ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc bảo đảm cho ứng dụng vận hành thông suốt, mượt mà và có hiệu quả. Trước hết là phải giới thiệu được ứng dụng tới từng người dân địa phương. Đó là lý do vào tháng 2-2024, đích thân ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đã phát động lễ ra quân cao điểm cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart cho người dân trong tỉnh.
Xây dựng nền tảng riêng
Với định hướng và kế sách lâu dài, bền vững, đồng thời có thể nắm quyền chủ động trong quản lý dữ liệu và vận hành, những địa phương có tiềm lực đã chọn giải pháp đầu tư xây dựng những nền tảng, ứng dụng công dân số riêng của mình.
Tuần qua, UBND TP HCM đã ra mắt ứng dụng "Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh" (gọi tắt là app Công dân số) nhằm kết nối hiệu quả giữa công dân và chính quyền. Ứng dụng riêng biệt này có thể được người dân tải về thiết bị để tự cài đặt từ hai kho ứng dụng App Store (thiết bị iOS) và Google Play (thiết bị Android).
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu (đến ngày 31-12-2024), app Công dân số cung cấp 12 nhóm tính năng chính, được hiển thị trong mục "Công dân số", bao gồm: Phản ánh kiến nghị; Giáo dục; Y tế; Du lịch - Bản tin; Giao thông; Xây dựng; Cơ quan nhà nước; Dịch vụ công - Tra cứu hồ sơ; Bản đồ; Tài khoản chung; Tương tác thông báo - Tin tức - Lấy ý kiến người dân. TP cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung các tính năng mới cho ứng dụng CDS; song song với việc bảo đảm cho ứng dụng vận hành ổn định, thông suốt, đem lại nhiều tiện ích cho người dân TP.
Với nguồn lực của mình, TP HCM đã chọn phát triển một ứng dụng riêng để có thể chủ động quản lý ứng dụng và bảo mật, an toàn thông tin - dữ liệu tốt hơn. Điều đáng chú ý là người dân chỉ cần tải và tự cài đặt ứng dụng vào thiết bị di động cá nhân; đăng nhập một lần thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (tài khoản VNeID). Sự liên thông này vừa bảo đảm an toàn cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân, vừa tiện lợi hơn cho người dân.
TP HCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên nền tảng số. Hồ sơ được số hóa và toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện trên nền tảng số, các dịch vụ công sẽ được đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình.
Tránh lãng phí, loạn ứng dụng
Theo các chuyên gia, mỗi địa phương, đặc biệt là tới tận cấp cơ sở xã phường, tự xây dựng ứng dụng CDS riêng có thể dẫn tới lãng phí và nguy cơ loạn ứng dụng. Các ứng dụng địa phương cần có tính tương thích và liên thông cao, kết nối với nền tảng chung của cấp tỉnh thành và trung ương.
Bình luận (0)