Theo đó, hình phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm từ 12 năm xuống 9 năm tù.
Theo TAND Tối cao lý giải, NCTN thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc.
Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.
Trong khi đó, việc xử lý NCTN phạm tội tại Việt Nam vẫn còn nặng về răn đe và áp dụng hình phạt; chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho họ sửa chữa, cải thiện hành vi. Việc giảm mức phạt tù với NCTN như đề xuất tại dự thảo sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên, đề cao tính nhân văn.
Ngoài 5 tội danh nếu NCTN phạm tội thực hiện không được giảm mức phạt tù, nên chăng cân nhắc và bổ sung thêm một số tội danh đối với hành vi tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội như tội "Cố ý gây thương tích", "Cướp tài sản có tổ chức" nhằm thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật.
Bởi lẽ hiện nay tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng về số lượng; mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; hành vi ngày càng manh động, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như tội "Cướp tài sản có tổ chức". Đây là vấn đề đáng quan ngại, gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng.
Việc đề xuất giảm mức hình phạt tù đối với NCTN phạm tội ít nghiêm trọng là biện pháp cần, thể hiện tính nhân văn, khoan hồng nhưng cũng cần nghiêm khắc, thể hiện tính nghiêm minh, sự nghiêm trị của pháp luật hình sự đối với NCTN phạm tội có tổ chức, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bất an trong đời sống xã hội.
Bình luận (0)