TAND Tối cao đang xây dựng đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều đại diện tổ chức nước ngoài cũng như cá nhân nghiên cứu, hỗ trợ tư pháp người chưa thành niên ở nước ta hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng đạo luật riêng cho người chưa thành niên có hành vi phạm pháp. Nhiều chuyên gia kỳ vọng luật mới có thể cải thiện vô số nhược điểm mà luật hiện hành vướng mắc.
Cụ thể hóa việc giam giữ
Theo TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP HCM), khung pháp lý về tư pháp hình sự người chưa thành niên bộc lộ nhược điểm ở khâu thi hành án.
Điển hình, luật không phân biệt mức độ xử lý kỷ luật giữa phạm nhân thành niên với người chưa thành niên (ngoại trừ việc cơ quan chức năng không cùm chân phạm nhân chưa thành niên tại buồng kỷ luật).
Không chỉ vậy, chế tài giam giữ phạm nhân chưa thành niên tại buồng kỷ luật đi ngược nhiều quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế.
"Việc giam riêng phạm nhân chưa thành niên vi phạm nội quy chỉ nên áp dụng như một biện pháp cuối cùng vì mục đích bảo vệ chính phạm nhân đó. Thời hạn giam giữ cần ngắn hơn hình phạt tương ứng đối với phạm nhân thành niên" - TS Lê Huỳnh Tấn Duy nhấn mạnh.
Từ thực tế giam giữ người chưa thành niên phạm tội, luật sư Nguyễn Đức Nguyên Vỵ (Mỹ) chỉ rõ Luật Thi hành án hình sự yêu cầu giam giữ riêng người chưa thành niên.
Dù vậy, nghị định hướng dẫn thi hành lại thiếu yếu tố cơ bản khi giam giữ riêng, như: khoảng cách, cơ sở vật chất nơi giam giữ…
Vì vậy, ở nhiều trại giam, người chưa thành niên ở phòng riêng nhưng cùng khu vực giam người thành niên; có cổng, lối ra - vào chung.
Luật sư Nguyễn Đức Nguyên Vỵ cho rằng pháp luật cần cụ thể hóa tính "riêng" nơi giam giữ người chưa thành niên kèm một số ràng buộc cơ bản, gồm: nơi giam giữ tách biệt người thành niên; cơ sở vật chất chuyên biệt phù hợp với tâm sinh lý người chưa thành niên; đội ngũ cán bộ có chuyên môn phù hợp giữ trọng trách vận hành nơi giam giữ.
Bị cáo chưa thành niên ra tòa ở Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP HCM
Chuẩn bị cho tái hòa nhập cộng đồng
Song song giam giữ, tái hòa nhập cộng đồng là khía cạnh thu hút mối quan tâm từ nhiều phía.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) từng nhận định nền tư pháp nước ta chưa thực sự hỗ trợ một cách tối ưu người chưa thành niên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do pháp luật thiếu quy định chi tiết, phù hợp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc giúp người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Đức Nguyên Vỵ nhận thấy văn bản pháp luật chỉ đề cập chung rằng người chưa thành niên được ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ vốn. Cơ quan chức năng không cập nhật cơ chế cụ thể đưa những phương án kể trên vào đời sống.
Luật sư dẫn chứng: "Phân tích khảo sát ở một số trại giam cho thấy người chưa thành niên chưa chuẩn bị đầy đủ tâm lý cùng kiến thức nhằm tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả. Phần lớn họ không biết nên làm gì sau khi tự do".
Luật sư Nguyễn Đức Nguyên Vỵ góp ý cơ quan chức năng nên bổ sung lao động công ích hoặc công tác xã hội thành hình thức bắt buộc đối với người chưa thành niên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Tùy thuộc mức độ phạm tội, điều kiện cá nhân mà tòa án ấn định thời hạn, cường độ lao động công ích phù hợp.
Ví dụ, người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng (trộm cắp vặt, đánh bạc giá trị nhỏ…) lao động 300 giờ không công với công việc dọn rác công viên, quét dọn trung tâm cộng đồng. Toàn bộ quá trình có cán bộ trại giam giám sát nghiêm ngặt.
Còn theo bà Shelley Casey (chuyên gia UNICEF) chế tài phạt tù hay đưa vào trường giáo dưỡng chỉ nên áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bạo lực, nguy cơ tái phạm cao.
Với đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên, cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng giải pháp tái hòa nhập cộng đồng. Đây là nội dung kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan ở Luật Thi hành án hình sự.
Tại đề cương, điều luật về tái hòa nhập cộng đồng hướng đến mục tiêu ràng buộc trách nhiệm cơ quan, tổ chức cùng người giữ thẩm quyền thực hiện biện pháp hỗ trợ, giám sát người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng.
Bước đầu, TAND Tối cao thiết kế đề cương gồm 5 phần với 126 điều quy tụ nhiều nội dung liên quan đến pháp luật đối với người chưa thành niên.
Sự cần thiết
Phát biểu tại Hội thảo Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên do TAND Tối cao vừa tổ chức, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao - cho biết trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên, theo các điều chỉnh của hệ thống tư pháp hành chính.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật thống nhất, toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống tư pháp vị thành niên chuyên biệt và khác biệt.
Thay vào đó, các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên cả về hành chính và hình sự còn nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau dẫn đến sự phân tán, khó thực thi nhất định.
Việc đưa ra một đạo luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng phân tán hiện nay.
Bình luận (0)