Sau khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ theo hình thức trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Theo các chuyên gia, thí sinh không nên chọn ngành dễ đậu mà nên lưu ý chọn ngành phù hợp.
TS Trần Đình Lý (đứng) trong chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2022 do Báo Người lao động tổ chức tại Bình Thuận ngày 8-5. Ảnh: Quang Liêm
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết dù quy chế, chính sách tuyển sinh có thay đổi hay đổi mới, nhưng vấn đề định hướng nghề nghiệp luôn là cốt lõi, không thay đổi. 3 lời khuyên cho thí sinh chuẩn bị đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ để chọn nghề, chọn ngành phù hợp.
Thứ nhất, xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành, nghề. Nếu các em chọn lầm nghề thì nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Thí sinh phải tìm hiểu nghề trước sau đó xem học ngành nào để làm nghề đó, trường nào đào tạo ngành đó. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này và các yếu tố tác động khác.
Thứ hai, phải biết lượng sức mình. Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp. Các tiêu chí để tham khảo: Điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…). Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên tuy bổ ích, quan trọng, nhưng cũng chỉ dùng để tham khảo. Bản thân các thí sinh phải tự quyết định về tương lai của mình, chớ thi vào các ngành mình không yêu thích, chọn bậc học không tương xứng.
Thứ ba, hãy dành 18 - 20 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời. Hơn bao giờ hết, cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình. Cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Có nhiều thí sinh tưởng rằng mình phù hợp với nghề đó, ngành đó nhưng thực ra các em bị ngộ nhận, chưa đủ thông tin để biết mình là ai? Chọn trường theo sở thích, sở trường của chính bản thân thí sinh mới là bền vững! Không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên của những người đi trước vì có khi các em không đủ thông tin. Các em nên trắc nghiệm sở thích, sở trường nguyện vọng để biết mình có bị "ngộ nhận" khi lựa chọn ngành nghề hay không.
Lý thuyết Holland để khám phá năng lực bản thân trong định hướng nghề nghiệp cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm rất tốt.
Bình luận (0)