Từ năm 2018 trở đi, những trường không công khai đầy đủ các thông tin như tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp... sẽ không được thông báo tuyển sinh. Thông tin này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nêu ra trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ (nhóm ngành đào tạo giáo viên) hệ chính quy năm 2017.
Trên 90% sinh viên có việc làm?
Giữa tháng 9-2016, Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức lễ tốt nghiệp cho 2.294 sinh viên. Ngoài các thông tin về lễ tốt nghiệp, trường cũng cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm là 93%.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết 93% là tỉ lệ sinh viên có việc làm đã tốt nghiệp năm 2015, cao hơn năm 2014. Để có kết quả này, trường đã thực hiện bằng cách đưa ra phiếu khảo sát khi sinh viên đến nhận bằng tốt nghiệp. Sau đó, trường thuê 2 cộng tác viên khảo sát liên tục trong 2 tháng bằng cách gửi mail và gọi điện thoại trực tiếp đến từng người. Từng ngành, khoa có kết quả khác nhau nhưng trường đánh giá kết quả khảo sát phản ánh đúng thực tế đào tạo.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho biết tỉ lệ sinh viên của trường có việc làm sau khi ra trường đạt 94%-95%, riêng tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng và phù hợp với chuyên ngành đào tạo đạt gần 90%. Đây là kết quả khảo sát do Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hiện hằng năm. Theo thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng Phòng Tổng hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường có câu lạc bộ doanh nhân nên việc đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và tạo việc làm cho sinh viên khá thuận lợi.
Tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp hằng năm tìm được việc làm phù hợp luôn đạt trên 90%. Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là kết quả khảo sát khi sinh viên đến nhận bằng tốt nghiệp - 3 tháng sau khi có kết quả tốt nghiệp. Đối với những ngành kỹ thuật, tỉ lệ gần như 100% sinh viên có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo. Các ngành khối kinh tế hay tài chính - ngân hàng đạt tỉ lệ 60%-70%, số còn lại chưa tìm được việc làm vì nhiều lý do. Tính chung, tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt 90% gồm cả đúng ngành và trái ngành.
Không riêng gì các trường nêu trên, nhiều trường ĐH khác đều đã công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm. Nhiều trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm cao đến bất ngờ. Điều này làm dấy lên mối nghi ngờ về tính trung thực của thông tin do các trường cung cấp.
Chỉ mang tính hành chính nếu không có chế tài
Bằng cách này hay cách khác, các trường đều tìm kiếm tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm để định hướng, điều chỉnh chương trình đào tạo. Tuy nhiên, các trường sẽ phải đắn đo khi công bố ra xã hội bởi dù là thật nhưng nếu tỉ lệ thấp sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của mình. Thực tế, hầu như không có hoặc rất ít trường công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm dưới 70%.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng tỉ lệ sinh viên có việc làm do các trường đưa ra hiện không có cơ quan nào giám sát, bảo đảm là đúng nên không thuyết phục được xã hội. Năm 2018, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm để làm điều kiện tuyển sinh cũng chỉ là biện pháp hành chính. Vấn đề chính là bộ phải xét dự báo nhân lực quốc gia để định hướng đào tạo, cân đối lại thị trường lao động.
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, việc Bộ GD-ĐT quy định các trường phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm là một trong các điều kiện để tuyển sinh là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, bà Quỳ cho rằng đã là cần thiết và hợp lý thì phải kèm theo cơ chế để bảo đảm tính chính xác về thông tin của các trường. Do vậy, bộ phải bổ sung các cơ chế để giám sát.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm
Thực hiện việc công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm, ông Trần Quang Nam - Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, trợ lý Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - cho biết tới đây, bộ sẽ có biểu mẫu chi tiết cho các trường khảo sát, không để mỗi trường khảo sát mỗi cách khác nhau. Về việc giám sát, Bộ GD-ĐT sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định đã được thành lập thực hiện kiểm tra và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về tỉ lệ công bố. Nếu khi kiểm tra mà phát hiện không đúng sự thật, Bộ GD-ĐT sẽ có chế tài mạnh như đình chỉ tuyển sinh, rút giấy phép mở ngành…
Bình luận (0)