Học sinh toàn TP HCM sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ I. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, hiện nay có 77.000 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến vì thiếu thiết bị hoặc thiếu đường truyền internet hoặc cả hai. Trong đó, hơn 55.000 học sinh tiểu học không có thiết bị, không có internet hoặc người hỗ trợ, đang kẹt ở quê... Gần 700.000 học sinh ở bậc THCS, THPT gặp khó khăn khi học trực tuyến, 17.000 em không có thiết bị và internet, 5.000 em có thiết bị nhưng không có internet...
Hỗ trợ kịp thời
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sẽ xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, giao phiếu học tập đến tận nhà cho học sinh không thể học trên internet. Sở cũng phối hợp với đài truyền hình sản xuất nội dung, chủ yếu ở bậc tiểu học, dự kiến phát sóng vào giữa tháng 9. Đây sẽ là kênh giúp học sinh tự học và hỗ trợ cha mẹ kèm cho trẻ.
Học sinh tại TP HCM sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ I năm học 2021-2022 nhưng nhiều em gặp khó khăn khi thiếu thiết bị học tập
Bên cạnh đó, nhiều trường học cũng thực hiện mô hình "ATM điện thoại - máy tính cũ". Các trường này kêu gọi phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm đóng góp máy tính, điện thoại cũ hoặc góp tiền mua điện thoại mới cho các em khó khăn.
Một học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1) là F0, đang điều trị tại khu cách ly tập trung. Em không có thiết bị để tham gia học trực tuyến vào ngày 8-9. Phụ huynh của em đã liên hệ với nhà trường. Ngay lập tức, trường đã gửi một chiếc điện thoại thông minh, cài đặt sẵn phần mềm sử dụng để học trực tuyến đến khu cách ly cho em. Học sinh này cho biết rất vui và cảm ơn thầy cô giáo đã hỗ trợ em kịp thời trong lúc khó khăn.
Chương trình "ATM điện thoại thông minh" của Trường THCS Minh Đức bắt đầu triển khai từ ngày 24-8. Chương trình nhằm kêu gọi nhà hảo tâm, phụ huynh, học sinh hay bất cứ ai góp điện thoại thông minh cũ, laptop cũ, tiền để mua điện thoại mới... cho học sinh không đủ thiết bị để học trực tuyến.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết đến nay, trường đã nhận được 25 điện thoại mới, 4 điện thoại cũ, 2 máy tính để bàn và 2 máy tính bảng. Tất cả thiết bị này đã được trao đến cho học sinh. Đến nay, không còn học sinh nào của trường thiếu thiết bị học tập.
"Khi triển khai mô hình này, thầy cô giáo mong muốn tất cả học sinh đều bình đẳng trong việc tiếp cận kiến thức. Những em không có thiết bị hỗ trợ học tập trong dịch bệnh sẽ được hỗ trợ kịp thời, để không em nào bị bỏ lại phía sau" - cô An bày tỏ.
Phương án lâu dài
Khi triển khai mô hình "ATM điện thoại thông minh", Trường THCS Minh Đức đã thành lập một nhóm 6 thầy cô để vận hành ATM. Từng người được phân công nhiệm vụ cụ thể khi tiếp nhận và điều phối máy cho học sinh.
Phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm nào muốn gửi tặng điện thoại, máy tính sẽ đăng ký thông tin qua đường link. Nhà trường sẽ nhờ lực lượng chức năng đến nhận, sau đó đem tới cho một giáo viên có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra máy, phân bổ và ghi thông tin địa chỉ học sinh để dán vào máy. Tiếp theo, lực lượng chức năng sẽ mang điện thoại, máy tính đến từng nhà học sinh, chụp hình xác nhận.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) cũng đã triển khai chương trình "ATM máy tính" để quyên góp máy tính cho học sinh. Theo ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc trung tâm, khảo sát cơ bản cho thấy học sinh của trung tâm có đủ thiết bị phục vụ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn 50 em không có thiết bị học tập tốt. Do đó, trung tâm đã gửi thư ngỏ tới phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm về việc quyên góp máy tính đã qua sử dụng để tặng lại cho học sinh khó khăn.
Đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An đã nhận được 5 máy tính. Số máy này sẽ được một công ty máy tính bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và sẽ chuyển đến tay học sinh phục vụ cho việc học tập. Trung tâm mong muốn mỗi học sinh sẽ có một máy tính để học, vì xác định việc học trực tuyến sẽ lâu dài, ngay cả khi các em trở lại học bình thường.
"Đây là giải pháp lâu dài mà trung tâm đề ra để thực hiện với mong muốn phủ máy tính đến càng nhiều học sinh càng tốt. "ATM máy tính" này không chỉ phục vụ học sinh của trung tâm mà còn sẽ hỗ trợ các trường lân cận" - ông Hoàng cho biết.
Tham khảo mô hình để triển khai
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng mô hình "ATM điện thoại - máy tính cũ" rất thiết thực, sẽ hỗ trợ nhanh và nhiều học sinh.
Hiện nay, trên địa bàn quận Gò Vấp có khoảng 15% học sinh các cấp gặp khó khăn khi học trực tuyến. Thời gian tới, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp sẽ đưa ra nhiều phương án để hỗ trợ học sinh. Trong đó, phòng sẽ tham khảo để triển khai mô hình "ATM điện thoại - máy tính cũ".
Bình luận (0)