Tuần rồi họp lớp Báo chí 98 kỷ niệm 20 năm ra trường, khi "Kể tên một thầy cô giáo nào mà bạn nhớ nhất", không quá bất ngờ, hình ảnh của nhà báo, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải hiện ra đầu tiên trong trí nhớ đám học trò giờ đã U50.
Giảng viên đặc biệt
Chính xác thì cô Ngọc Hải dạy chúng tôi môn "Kỹ năng phỏng vấn", tròn 22 năm trước ở Khoa Ngữ văn Báo chí - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Lớp học 108 đứa từ đủ mọi vùng miền, háo hức chờ gặp một giảng viên đặc biệt: Tác giả sách ký chân dung nhân vật đoạt giải văn chương quốc gia "Tôi chết bắt đầu một thế giới sống" - cựu Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Phụ Nữ Việt Nam và chuyên viên báo chí Thành ủy TP HCM.
Cô Ngọc Hải xuất hiện, có phần… "bụi bụi" và rắn rỏi hơn hình dung về một tiểu thư "Đôi mắt người Sơn Tây" con nhà sĩ quan quân đội và trí thức Tây học. Sau này, chúng tôi mới biết cô còn có huy chương môn bắn súng trường và rất chăm tập thể dục. Có mấy bạn nữ tinh ý trong lớp xì xầm với nhau: "Trời ơi, cô mặc đồ si-đa mua ở lề đường kìa!". Hình như, cái sự "mặc đồ si-đa" này, làm phá vỡ khoảng cách về danh tiếng của cô với đám học trò nghèo ở quê lên phố. Cô gần gũi với chúng tôi.
Tác giả và cô Nguyễn Thị Ngọc Hải (Ảnh do tác giả cung cấp)
Ấn tượng thứ hai, là từ những năm 2000, internet còn là một điều gì đó xa vời, cô Ngọc Hải, hình như lúc đó cũng chạm tuổi nghỉ hưu, đã có email. Tôi nhớ như in địa chỉ email mà cô viết lên bảng: baloongtoong@yahoo.com. Chữ "loong toong" này, lúc đầu tưởng là… lon ton, vì dáng đi của cô rất riêng, không lẫn vào đâu được, lúc nào cũng như có nhạc trong từng bước chân. Đến khi đi tra từ điển, thì biết là một cách tự trào về bản thân mình rất hay: "loong toong: nhân viên chạy giấy và làm việc vặt ở các công sở thời Pháp thuộc; cũng dùng để chỉ người làm những việc lặt vặt hoặc để cho người khác sai vặt".
Cô định nghĩa cái sự "loong toong" của mình, là việc đi kiếm, và mời mọc đủ mọi người nổi tiếng đến trường để học trò có dịp thực hành "phỏng vấn người nổi tiếng". Lớp chúng tôi, là chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh với những ký ức về bộ đôi Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh tưởng chỉ có thể gặp trên những trang sách. Những lớp khác, thì có từ doanh nhân tới nghệ sĩ, từ vận động viên danh tiếng đến một chính khách bản lĩnh. Cô xài hết "vốn" của mình, mong muốn cho sinh viên được chạm tay chạm mặt nhiều nhất với nhân vật, với thực tế để mỗi giờ lên lớp thực sự là "learning by doing" - học bằng cách thực hành.
Nhiều thế hệ sinh viên và cả giảng viên còn nhớ, chưa có ai "to gan" điều động mời được cả Chủ tịch UBND Thành phố vào cho sinh viên tập phỏng vấn như cô Hải. Thỉnh thoảng kể lại, cô vẫn vui sướng nói về lòng biết ơn ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch UBND TP HCM thời bấy giờ, còn mời thêm cả "kỳ nữ" NSND Kim Cương đến cùng. Bí quyết làm được chuyện này, là một câu nói thật thà: "Thưa anh, sinh viên nhiều em từ nông thôn, miền núi… khắp cả nước về học, có bao giờ tự mình gặp được các vị quan to thế đâu. Mong anh đến với con em nhân dân mọi miền đất nước"...
Hết lòng hết dạ với nghề
Ra trường, tôi cũng có dịp được cô Ngọc Hải rủ về nói chuyện với sinh viên. Như một thói quen, cô tìm hiểu đủ thông tin mới nhất về tôi, cung cấp thông tin của lớp học để có bối cảnh trò chuyện, và… sẵn sàng một danh sách câu hỏi phỏng vấn. Cô ra cổng đón, đưa tôi vào lớp, giới thiệu và bắt đầu ngồi giở sổ ghi ghi chép chép giống cách mà cô đã làm suốt mấy mươi năm nay: Tổ chức tư liệu sống là quan trọng nhất. Hết giờ, cô Hải tiễn tôi ra tận cổng trường, dặn dò vài câu rồi quay lại lớp.
Tôi đứng nhìn lại, thấy cái dáng đi có nhạc không lẫn vào đâu được, giờ cao tuổi nên có phần liêu xiêu… Tôi cảm nhận cái "loong toong" của cô như là sự hết lòng hết dạ vì học trò, nhiều hơn cả sự tận tụy. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, lũ chúng tôi vẫn ngồi rôm rả nói với nhau về chuyện cùng cô Hải chuẩn bị tư liệu trước khi phỏng vấn, lọc ra danh sách những câu hỏi hay từ bộ "cẩm nang phỏng vấn" được xem như "bí kíp hành tẩu giang hồ" của cô, và hỏi đi hỏi lại bản thân mình 10 lần một "khẩu quyết" quan trọng nhất của nghề phỏng vấn: "Làm sao để tò mò một cách chân thành nhất?".
Tôi có dịp làm việc chung với cả hai anh con trai của cô Ngọc Hải là nhà báo Trần Hà Nguyên và họa sĩ Trần Hồng Nguyên. Có thời điểm lại còn làm chung với con dâu của cô Hải nữa, nên tôi chuyển sang gọi vừa thân mật vừa có chút trêu đùa là "bà nội Hải". Mạng xã hội là thứ gắn kết tôi với bà Hải, vì mỗi ngày tôi lại thấy bà mới toanh, trong trẻo và yêu nghề như ngày đầu đi làm, dù bà chuẩn bị chạm ngưỡng 80 tuổi.
Bà chăm học tiếng Anh, mỗi ngày tự học thêm bằng cách lên mạng tìm dịch và điểm những thông tin thú vị trên báo quốc tế để đăng Facebook mà bà gọi là "rang lạc", tức là hành động đảo mắt qua lại liên tục ở các website tiếng Anh, từ điển tiếng Việt và màn hình ghi chép. Bà học xong thì cưỡi xe ôm đi… thi tiếng Anh, đến mức giám thị còn sửng sốt khi thấy một thí sinh đã bước vào tuổi xưa nay hiếm... Để đi dạy, đi dự sự kiện hay gặp ai đó, bà bỏ rất nhiều thời gian để tìm kiếm và tổng hợp tư liệu, cho mình nền kiến thức đủ để tiếp nhận và khai phá những câu chuyện mới.
Có vài lần, tôi vì bận và lười mà định trốn buổi đi nói chuyện với sinh viên, tự dưng nhớ lại cảnh bà Hải bị bệnh hơi nặng chút, phải nằm trên giường chứ không ngồi dậy nổi nhưng đến giờ dạy online vẫn… nằm dạy học, lại còn để mấy cành hoa ngay gối nằm cho tôn trọng sinh viên, tôi tự thấy xấu hổ với bà giáo gần 80 tuổi mà yêu nghề, yêu đời, yêu sinh viên thiết tha quá, nên lại vượt lên chính mình mà đội mưa tới trường. Hóa ra, bà Hải không chỉ "dạy học thông qua công việc" mà còn "dạy học bằng cách làm một hình mẫu tốt".
Hơn 20 năm ra trường, tôi vẫn hạnh phúc được tiếp tục học những bài học mỗi ngày từ bà… Đó không chỉ là học phỏng vấn đã rèn một kỹ năng quan trọng nhất mà ít ai để tâm: lắng nghe, mà còn là bài học về sự say mê với công việc và cuộc sống, cũng như khả năng học tập suốt đời của bà "loong toong" đáng kính.
Vẫn say nghề, đam mê cháy bỏng
Suốt 20 năm chúng tôi phấn đấu trưởng thành thì bà cũng đã vừa dạy học, viết báo và cho ra đời những cuốn sách về các nhân vật nổi tiếng, trong đó có các nhà tình báo như Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo và Phạm Xuân Ẩn.
Chuyển mùa, sức khỏe bà Hải cũng kém dần, nhưng ánh mắt nhìn cuộc sống nhiều chiều như đang... rang lạc thì không suy giảm chút nào. Bà theo dõi nhiều dòng chủ lưu thời sự khác nhau, đưa ra những nhận định dí dỏm mà sâu sắc. Tôi đọc thấy trong những dòng chia sẻ của bà, niềm say mê với nghề giáo, nghề báo vẫn cháy bỏng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)