Chúng tôi xin trích đăng bài phân tích của nghiên cứu sinh Đào Quốc Hưng về đáp án gây tranh cãi của chương trình Đường lên đỉnh Olympia trận chung kết:
Đáp án của ban giám khảo: “... Do hiện tượng thẩm thấu, muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên, đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn, làm quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đẩy ra ngoài…”
Qua đáp án này, chúng ta có thể thấy rằng: Người viết đáp án rất “măng non” về kiến thức màng tế bào và sự vận chuyển các hạt qua màng tế bào. Điều đó đã dẫn tới phát ngôn “do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào”, trái với khoa học về thuật ngữ và bản chất khoa học. Sự chủ quan, máy móc (giáo điều) và võ đoán đã bắt đầu xuất hiện. Việc này là cấm kỵ, nhất là trong sự nghiệp giáo dục và khoa học.
MC Tùng Chi: “… Mà đây là câu hỏi hóa học …”
Thực chất, đây là một câu hỏi về sự sống (living things/life) chứ không phải là câu hỏi chỉ có hóa học. Phát ngôn trên lại thể hiện sự chủ quan và phiến diện mặc dù đã được cảnh báo bởi dư luận, báo chí. Muốn hỏi một chi tiết (lĩnh vực cụ thể) trong sự sống thì người thầy/người hỏi/người ra đề phải có trách nhiệm giới hạn nó bằng các thuật ngữ chuyên môn; đặc biệt đối các học sinh phổ thông, khi mà giá trị giáo dục rõ ràng và trung thực quan trọng hơn một kiến thức cao siêu và mờ ảo. Nếu không, chúng ta có thể trở thành những nhà văn không chuyên bay bổng nhưng trống rỗng.
“… Thiếu cơ chế về mặt hóa học mà trong đó vấn đề thẩm thấu của ion Na và ion Cl trong tế bào là hai vấn đề quan trọng nhất …”
Sau khi có cảnh báo của dư luận, người thầy và nhà khoa học vẫn đi vào vết lăn thẩm thấu Na+ và Cl-” và cho rằng chúng là quan trọng nhất. Điều này không chỉ “rất măng non” mà còn là rất võ đoán. Tài liệu khoa học nào đã nói như thế?
“Câu hỏi này muốn giúp người đọc và người thi nắm được 4 khái niệm: Hiện tượng co nguyên sinh và hậu quả hiện tượng đó trong tế bào, cơ chế thẩm thấu của nước, cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu, vai trò sinh lý của nước trong tế bào".
Dựa trên những khái niệm này, chúng ta có thể trả lời câu hỏi như sau: Môi trường dung dịch muối ion Na là môi trường ưu trương dẫn tới nước thấm từ tế bào ra ngoài theo cơ chế thẩm thấu để điều hòa nồng độ. Cơ chế này xảy ra dễ dàng theo cách đi từ thế nước cao ở trong tế bào đến môi trường thế nước thấp trong dung dịch muối, dẫn đến hiện tượng co nguyên sinh. Vai trò sinh lý của nước hiện nay không còn dẫn đến tế bào ngừng trao đổi chất.
Co cơ nguyên sinh (plasmolysis) là hiện tượng tách màng tế bào khỏi thành tế bào khi tế bào bị mất nước. Tế bào mất nước ở một mức độ nào đó và kéo dài thì sẽ chết. Còn co cơ nguyên sinh có thể không làm chết tế bào. Trong đời sống, cây héo hay rau hoa quả héo (khó bán, ăn dai) là những ví dụ điển hình về hậu quả của co cơ nguyên sinh. Khi trồng cây hay bán rau hoa quả chúng ta tưới nước kịp thời thì làm cho cây hoặc rau hoa quả bị héo sẽ tươi trở lại, tức là chúng ta làm mất hiện tượng co cơ nguyên sinh. Vậy, trong bài thi này không nhất thiết phải nhắc đến co cơ nguyên sinh vì nó chỉ là hậu quả của mất nước chứ không phải là nguyên nhân nguyên thủy của việc sát khuẩn bằng nước muối.
Bản thân dung dịch muối đựng trong cốc sẽ không trở nên ưu trương cho đến khi chúng ta trộn chúng với dung dịch khác thông qua màng thấm có chọn lọc (màng tế bào). Vậy, tính ưu trương ở đây là để so sánh áp suất thẩm thấu/nồng độ chất tan giữa bên ngoài và bên trong tế bào vi khuẩn (được phân biệt bởi màng lipid kép).
Chỉ riêng theo từ điển sinh học thì thuật ngữ ưu trương (hypertonic) đã chứa đựng nghĩa “có áp suất thẩm thấu ngoại bào cao hơn so với nội bào”.
“… Vai trò sinh lý của nước hiện nay không còn dẫn đến tế bào ngừng trao đổi chất”
Vì sao chúng ta lại đưa câu nói này trong hội đồng phản biện “nước muối làm vi khuẩn chết”? Biết rằng sinh lý sinh hóa trong tế bào là một trận đồ bát quái, nhưng trong nghiên cứu sinh học và giáo dục, việc rất quan trọng là phải cụ thể hóa kiến thức. Một lý thuyết có thể đúng, một lý tưởng có thể hay nhưng nếu chúng không sử dụng đúng hoàn cảnh thì vẫn có thể coi là phản khoa học hay không ứng dụng được. Vai trò của người thầy và nhà khoa học chân chính là đưa chìa khóa cho người học sinh và người dân vào thăm dò trận địa bát quái chứ không phải làm cho người ta tối tăm thêm.
“… Vấn đề này liên quan tới hiện tượng thẩm thấu và khuếch tán trong hóa học...”
Đúng là vạn pháp đều hoạt động theo quy luật của nó. Nhưng trong tế bào sống mà chỉ dùng “thẩm thấu” và “khuếch tán” để giải thích thì không bao giờ nước muối diệt được vi khuẩn vì đây là các quá trình tạo thế cân bằng áp suất thẩm thấu để giữ nước cho tế bào sống được. Tạo hóa đã sinh cho sinh vật sống cái màng lipid kép và vô vàn các yếu tố khác để bảo vệ sự sống. Tiếc rằng nồng độ muối ngoại bào quá cao đã làm chết con vi khuẩn do chúng bị mất nước quá nhanh và kéo dài.
Và câu tiếng anh 30 điểm
Một câu hỏi tiếng anh 30 điểm cho em Bách khó như thế, mà câu trả lời vỏn vẹn của một từ “eleven”. Ở đây cho ta thấy trí tuệ của người ra đề thi rất quan trọng. Ban tổ chức ra một đề thi và cho một đáp án ở trận chung kết mà tôi ngồi ở nhà đọc cũng mất cả nửa ngày vẫn không “hiểu rõ”.
Tôi xin gửi tới những ai quan tâm, Ban giám khảo trận chung kết Olypima 2014, PGS-TS-NGƯT Lê Đình Trung, PGS-TS Nguyễn Đức Chuy, PGS-TS Vũ Quốc Trung, anh Lại Văn Sâm và MC Tùng Chi những sự thật về khoa học kể trên. Nếu có chỗ nào không rõ và thắc mắc, tôi xin vui lòng được trình bày rõ hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Bình luận (0)