Theo quy định về đánh giá xếp loại học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.
Đánh giá quá trình học
Một phụ huynh có con học lớp 2 tại TP HCM lo lắng khi được giáo viên chủ nhiệm thông báo vở bài tập trực tuyến của học sinh sẽ được nộp lại khi hết dịch Covid-19 và giáo viên sẽ chấm điểm làm kết quả xét điểm học tập. Vị phụ huynh này cho rằng việc này vô tình gây khó khăn, hoang mang và không công bằng đối với những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến hoặc vì hoàn cảnh gia đình phụ huynh không có điều kiện giám sát, hướng dẫn các em học tập.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP HCM, nếu lấy điểm kiểm tra đánh giá dựa vào kiến thức thì có thể không công bằng, nhầm lẫn nhưng đánh giá dựa vào quá trình học tập thì có những thông số có thể đánh giá công bằng được. Những em tham gia các buổi từ đầu đến cuối, có mặt đúng giờ, giáo viên giao nhiệm vụ nào hoàn thành nhiệm vụ đó thì giáo viên sẽ đánh giá mức độ hoàn thành chứ không đánh giá nội dung học sinh đã làm đúng hay sai. "Tức là các phương pháp phải linh hoạt theo từng bài giảng, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên với phương pháp học trực tuyến sẽ phụ thuộc chủ yếu vào từng trường, từng giáo viên" - ông Tân nêu quan điểm.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) tập huấn giảng trực tuyến Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Tân cũng cho biết mỗi trường, mỗi giáo viên sẽ dựa vào những tiêu chí kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT hằng năm để thực hiện.
"Để việc dạy học qua truyền hình hoặc trực tuyến có kết quả, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, thầy cô sẽ tập trung đổi mới hình thức đánh giá. Cụ thể, đánh giá quá trình sẽ thuận lợi hơn việc đánh giá kiến thức đã dạy vì rất khó giám sát được chuyện học hành của mỗi học sinh. Kết hợp với việc khi đi học lại có thể lấy vở tự học của học sinh để đánh giá, cùng hình thức trắc nghiệm trên các phần mềm giáo dục, cộng thêm phần theo dõi của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong quá trình học của học sinh để đưa ra điểm số chính xác nhất" - ông Tân nhấn mạnh.
Sẽ có hướng dẫn chấm
Theo cô Lê Thị Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), việc lấy điểm kiểm tra, đánh giá học trực tuyến phải tùy thuộc từng trường, từng lớp. Nếu áp dụng với lớp mà học sinh có điều kiện tham gia 100% thì việc lấy điểm có thể công bằng. Nhưng với những lớp mà học sinh chưa có điều kiện tham gia học trực tuyến, học sinh về quê hoặc có những em trong quá trình nghỉ quên bài, nếu lấy luôn vào điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên thì sẽ không công bằng cho từng lớp, toàn khối, việc này cần cân nhắc kỹ và có biện pháp mở rộng.
Ngoài ra, cô Thùy Linh cũng cho rằng không thể đưa ra những tiêu chí như làm bài nhanh hoặc làm sớm để đánh giá một bài kiểm tra trực tuyến được vì trong tuần học sinh có rất nhiều môn, nhiều bài tập. "Chỉ nên đánh giá dựa trên tiêu chí làm bài đúng bao nhiêu phần trăm, chịu khó ôn bài, tinh thần tự giác học tập để lấy điểm cộng khuyến khích chứ không lấy điểm 15 phút hoặc một tiết" - cô Linh phân tích.
Thầy Thái Quang Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM ), cho rằng việc lấy điểm kiểm tra học trực tuyến phải có cơ sở pháp lý vững vàng dựa trên công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Trong chương trình học trực tuyến của trường, cũng có một số thầy cô bộ môn toán cho học sinh làm bài kiểm tra, có chấm điểm, sửa bài và thể hiện điểm trên website trường. Nhưng điểm này chưa lấy vào điểm chính khóa vì phải chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD-ĐT.
Ông Lê Duy Tân cho biết Sở GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thêm về việc kiểm tra, đánh giá thường kỳ đối với dạy học trực tuyến trong tuần tới.
Bình luận (0)