Từ thực tế giảng dạy trực tuyến thời gian qua, nhiều giáo viên tại TP HCM cho rằng để việc học trực tuyến có hiệu quả, ngoài giờ học trực tuyến cùng giáo viên, mỗi học sinh phải tự học, tìm kiếm nguồn học mới, thay đổi thói quen học theo sự sắp xếp trước của giáo viên như cách học truyền thống.
Tạo thói quen, rèn luyện ý thức
Trên nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, học sinh dễ dàng tìm kiếm bài mới, cách giảng mới, lời giải khác trên internet, học sinh phải linh hoạt, không ngừng tìm tòi. Từ đó, học sinh tương tác, tranh luận nhiều hơn với giáo viên, tạo thành lối tư duy phản biện, hiệu quả học được nâng cao.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) chuẩn bị bài giảng trực tuyến
Phương pháp học trực tuyến rất mới mẻ với học sinh phổ thông khi các em chỉ mới tiếp cận trong 2 tháng gần đây, khó tránh khỏi những bất cập. Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho rằng cách dạy của giáo viên là điều kiện cần, ý thức học tập của mỗi học sinh là điều kiện đủ để một phương pháp học mới đạt hiệu quả. Giáo viên cho bài kiểm tra, giám sát liên tục nhưng các em không làm thì không thể nào tiến bộ được.
Đối với môn văn, bài giảng trên internet rất nhiều, không nhất thiết phải nghe một bài thầy cô của mình giảng. Một bài văn có thể nghe nhiều thầy cô giảng để có cái nhìn đa chiều. Cùng một ý nhưng có thể xem nhiều thầy cô giảng xem ý nào hay, hợp lý, tổng hợp lại để có bài hay.
Thầy Kim Bảo cho rằng để có thể học trực tuyến hiệu quả, học sinh phải thay đổi 3 yếu tố: một bài nên nghe nhiều thầy cô giảng để tổng hợp những ý đa diện nhất; tập bắt lỗi trong những bài văn mẫu và nhận xét lỗi; tự luyện giải đề trên những website uy tín. Học sinh phải tập nhận biết được những bài văn mẫu sai ở đâu, đó là cách nhận biết đúng - sai.
"Ngoài ra, phụ huynh đóng vai trò chính trong quá trình học trực tuyến của học sinh, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở. Không thể "đem con bỏ chợ", phó mặc cho giáo viên. Có những phụ huynh thờ ơ, thầy cô phải gọi điện nhắc nhở thường xuyên. Đối với những em có ý thức học tập chưa cao, nhà trường phải có yêu cầu bắt buộc các em phải học bằng cách cho bài kiểm tra thực tế qua mạng" - thầy Kim Bảo nêu thực tế.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nêu quan điểm việc học trực tuyến học sinh chưa được tiếp cận ở các lớp dưới nên chưa có thói quen. Các em chưa có sự tự giác mà cái đó là thói quen cần có. Cá nhân học sinh phải tự rèn luyện thông qua hướng dẫn của giáo viên.
Vất vả tiếp cận học sinh
Theo thầy Công Chính, hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ trực tuyến hiện nay chưa đồng bộ. Do vậy, hầu như là do giáo viên tự tìm một cách nào đó để tiếp cận với học sinh qua Messenger, Zalo, các phần mềm dạy học. Việc dạy trực tuyến thực tế chưa hiệu quả, nó chỉ là giải pháp tình thế, một biện pháp hỗ trợ cho các em trong tình huống phải nghỉ học dài ngày. Bởi thầy cô chưa thể nào quản lý được việc học của các em. Nhiều em chưa đủ điều kiện để học trực tuyến đầy đủ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến không phải là dễ trong thời gian ngắn. Hơn nữa, còn nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn hơn trong học trực tuyến.
Theo thầy Chính, học sinh lớp 12 sau khi quay lại trường phải tăng tốc để kịp bài, nhiều em không tự giác sẽ làm ở tâm trạng đối phó, nhất là với bài giao và trả qua mạng, các em có thể nhờ người khác làm giúp nên thầy cô không thể kiểm soát được. Để học hiệu quả thì việc quản lý các em học, làm bài rất quan trọng. Khi các em thấy việc học online thoải mái, môn học hấp dẫn thì các em sẽ thích thú hơn.
Để tổ chức lớp học hiệu quả, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), gợi ý mỗi giờ học phải xác định học cái gì, nội dung nào, cần chuẩn bị trước công cụ, dụng cụ nào. Tổ chức lớp học qua phần mềm Zoom Cloud Meeting theo từng lớp, mỗi lớp 4 nhóm, mỗi nhóm từ 7-8 em, có nhóm trưởng, tổ trưởng để đôn đốc các bạn nhiều hơn. Ngoài ra, phụ huynh phải giúp đỡ giáo viên quản lý học sinh, "mưa dầm thấm lâu", nhiều học sinh sẽ hiểu và tự học hiệu quả.
"Để tránh trường hợp học sinh sao chép bài lẫn nhau khi làm qua Google Forms, mỗi giáo viên phải cho những vấn đề mới mà trên internet chưa có, không có bài mẫu. Khi các em sao chép bài lẫn nhau, Google Forms sẽ quét được các bài giống nhau và lọc ra" - cô Nhung lưu ý.
Chưa thể công nhận kết quả học trực tuyến
Các giáo viên cho rằng dùng những ứng dụng trực tuyến để dạy chính khóa thì chưa thể được vì nguồn học liệu chưa đồng nhất, mỗi trường có một cách dạy và đánh giá riêng, chưa có chuẩn chung. Do đó, để sau khi các em quay lại trường và công nhận kiến thức các em học từ trực tuyến thay thế việc học ở lớp là chưa thể được. Điểm số trong quá trình học trực tuyến chỉ mang tính khuyến khích mà thôi.
Bình luận (0)