xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tọa đàm "Năm học mới trong đại dịch": Nhiều vấn đề "nóng" được giải đáp

Yến Anh- Đặng Trinh- Bảo Lâm

(NLĐO) - Vào lúc 14 giờ chiều nay, 6-9, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM và NXB Giáo dục Việt Nam. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Người Lao Động online

Chương trình có sự tham dự của các khách mời:

PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT;

 - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM; 

- Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam.

Về phía Báo Người Lao Động, chủ trì buổi tọa đàm là TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập.

Đơn vị đồng hành: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM

Tọa đàm Năm học mới trong đại dịch: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Bộ Giáo dục và Đào tạọ Nguyễn Xuân Thành trao đổi tại tọa đàm

Chương trình sẽ thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan đến năm học mới như nhiệm vụ năm học mới trước tình hình dịch bệnh; chương trình phổ thông mới triển khai ra sao trong điều kiện hiện tại; đổi cách học trực tiếp sang trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức hiện nay của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa làm sao đến tay học sinh khi các địa phương giãn cách; sách giáo khoa điện tử, bài giảng trực tuyến, giáo án trực tuyến: Xu hướng mới, giáo viên sáng tạo; học sinh chủ động tiếp cận ra sao...

Học phí trong năm học mới, các hình thức hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn... cũng sẽ được trao đổi trong chương trình.

Chương trình tọa đàm được tường thuật trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Động. 

NỘI DUNG TỌA ĐÀM

. Thưa các vị khách mời, dịch Covid-19 đã và đang đặt ngành giáo dục vào những thử thách chưa từng có. Hàng triệu học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19, lần đầu tiên ngành giáo dục phải dự phòng cả phương án dạy học từ xa trong 75% thời gian năm học. Những khó khăn mà ngành giáo dục sẽ phải đổi mặt trong năm học này và nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới?

- PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Dịch covid-19 đang diễn biến rất phức tạp đặt ngành giáo dục đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh này, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT với nhiệm vụ năm học là phải đảm bảo an toàn. An toàn thì mới đến trường, đến trường thì phải an toàn. Bên cạnh đó là thực hiện chương trình năm học đảm bảo chất lượng. Ngành đang cùng địa phương thực hiện nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu này.

 . TP HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, trong đó có không ít học sinh, giáo viên đang phải chịu cảnh mất mát, tổn thất về tinh thần. Là lãnh đạo ngành giáo dục của TP, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM có thể cho biết những khó khăn mà giáo dục TP phải đối mặt để đảm bảo được chất lượng giáo dục cũng như nhiệm vụ của năm học?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM: TP HCM đang trong cơn đại dịch Covid-19, trong những khó khăn chung của TP, ngành GD-ĐT TP HCM hết sức khó khăn trong việc triển khai năm học mới. Cụ thể là năm học mới tại TP HCM không có tựu trường, khai giảng, khởi đầu năm học đều trên môi trường internet. 

Trước những thực tế tại TP HCM, Sở GD-ĐT TP HCM đã tham mưu UBND TP HCM ban hành kế hoạch năm học 2021-2022, trong đó, xác định học trên internet hết học kỳ I. Riêng bậc mầm non, do đặc thù, khi nào kiểm soát được dịch mới có thể đưa HS quay trở lại trường. Riêng ở bậc phổ thông chia làm 2 chặng: Từ THCS-THPT, năm học vừa qua các em hơn 2 tháng đã học trên internet, cũng đã có kinh nghiệm nghe thầy cô, đọc tài liệu nên TP HCM thực hiện theo khung thời gian của Bộ GD-ĐT, nên ngày 6-9 là bắt đầu năm học, ngoài ra còn học thêm qua truyền hình, học trên internet. Hai bậc học này khá chủ động dù học trực tuyến. 

Còn ở bậc tiểu học, do lớp 1 chọn sách mới, lớp 2 chọn lại nên dạy hai lớp này khó khăn. Chính vì khó khăn nên hiện nay Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp ghi hình các tiết dạy với Đài truyền hình, thầy cô được hướng dẫn sinh hoạt với phụ huynh vì ở bậc tiểu học vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Đối với các em không có điều kiện học tập thì sở rà soát, hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp như vận động thiết bị điện tử, làm việc với các đơn vị cung cứng… 

Nếu với những HS khó khăn hơn nữa, thì chúng tôi xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện để tổ chức các lớp học từ xa, cứ định kỳ thì 1 tuần, 2 tuần sẽ có trao đổi với phụ huynh để cviệc học hiệu quả. 

Tọa đàm Năm học mới trong đại dịch: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trao đổi tại chương trình

.Vấn đề học trực tuyến được phụ huynh rất quan tâm, đặc biệt tại TP HCM. Báo Người Lao Động thời gian vừa qua nhận được rất nhiều trăn trở từ phụ huynh về việc nhiều gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, điều kiện sống vô cùng khó khăn nhưng lại phải sắm thiết bị máy móc, đường truyền cho con học trực tuyến là quá sức. Theo thống kê của ngành GD-ĐT, có khoảng gần 80.000 học sinh không có thiết bị để học tập trực tuyến. TP có giải pháp gì để đảm bảo công bằng cho học sinh trong việc tiếp cận các hình thức học trực tuyến? Bên cạnh đó, hiện nhiều học sinh của TP vẫn còn kẹt tại các địa phương, TP có chỉ đạo gì với các trường để kiểm soát các em học sinh phải học từ xa?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu, trả lời: Theo số liệu, TP HCM hiện nay có khoảng 77.000 HS không có điều kiện học tập trên internet. Tuy nhiên đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp…Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền khi học trên Internet. Tại TP HCM đã có nhiều giải pháp, chẳng hạn như sáng nay (6-9), tại quận 10, UBND TP và quận 10 đã tổ chức trao tặng 100 máy tỉnh bảng cho HS trên địa bàn quận 10 do doanh nghiệp tài trợ. Đây là giải pháp mà TP Thủ Đức và các quận, huyện cần tham khảo để doanh nghiệp chung sức với ngành GD-ĐT. 

Hiện nay, ngoài chỉ đạo của Sở, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… Sắp tới, sở sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em HS. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được bởi việc đi lại khó khăn nên dù máy hư, máy cũ, ngay cả GV không thể đi sửa được. Đối với trường hợp những HS vẫn không thể học trên internet, chúng tôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại GV để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào. 

Sở cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng HS này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất. Đối với những HS đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP HCM đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em

Đối với những HS đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP HCM đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em.

. Dù đã bắt đầu năm học mới nhưng nhiều địa phương, sách giáo khoa vẫn chưa đến tay học sinh, ông có thể chia sẻ việc cung ứng SGK đến nay đã được thực hiện thế nào? NXB Giáo dục Việt Nam đã có những giải pháp gì đến khắc phục khó khăn, giúp đưa SGK đến với người học sớm nhất?

- Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam: Do dịch phức tạo, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên việc cung ứng SGK không giống các học trước, đến trước ngày khai giảng việc cung ứng SGK ở nhiều địa phương vẫn rất khó khăn. NXB từ rất lâu đã triển khai các giải pháp như thiết lập tổng kho tạm thời tại các địa phương ít ảnh hưởng của dịch bệnh để vận chuyển sách từ các nhà in đối tác phát hành, từ đó vận chuyển đến các nhà trường. Chúng tôi cũng đã điều tiết nội bộ để phần nào đáp ứng yêu cầu. NXB cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị đến các UBND các tỉnh, thành đề nghị tạo điều kiện phát hành SGK, bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương hỗ trợ. UBND nhiều tỉnh đã có văn bản yêu cầu đơn vị liên quan hỗ trợ, đảm bảo kịp SGK kịp ngày khai giảng. Tuy nhiên, do SGK chưa chính thức công nhận là mặt hàng thiết yếu nên một số tỉnh chúng tôi vẫn phải trao đổi với các cơ quan quản lý để sớm vận chuyển sách đến học sinh. Sau chỉ thị của Thủ tướng trước năm học mới, trong đó có việc chỉ đạo các NXB cung cấp SGK cho học sinh, tôi tin việc vận chuyển SGK đến các học sinh sắp tới sẽ có nhiều thuận lợi.

Tọa đàm Năm học mới trong đại dịch: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam tham dự tọa đàm và trả lời nhiều câu hỏi "nóng" từ độc giả

. Học trực tuyến là một xu thế tất yếu, nhưng chất lượng và hiệu quả học online đặt ra những câu hỏi lớn vì thời gian dạy học trực tuyến không chỉ trong 1 tháng, 2 tháng như năm ngoái mà kéo dài hơn, thậm chí cả năm học? Bộ GD-ĐT có phương án giảm tải chương trình như thế nào để vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo như kỳ vọng? Các bài giảng trực tuyến sẽ được xây dựng ra sao, theo hình thức nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- PGS Nguyễn Xuân Thành: Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Trước đây, chúng tôi đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…. Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. TP HCM đã có kinh nghiệm ngay từ năm trước và đã thích ứng ngay để dạy học trực tuyến. Bộ GD-ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây chúng tôi tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin…, như thế, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc SGK từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, trong tuần này hoặc tuần tới, chúng tôi sẽ gửi các thày cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhành nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học.

Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này. Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan trâm hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này.

.Hầu hết học sinh hiện nay không thể tiếp cận được với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, là những bộ sách của chương trình phổ thông mới lần đầu tiên sử dụng trong năm học này. Nhà Xuất Bản Giáo dục Việt Nam đã có giải pháp gì để sách có thể đến tay giáo viên, phụ huynh và học sinh khi mỗi địa phương, trường học chọn những bộ sách khác nhau?

- Ông Nguyễn Văn Tùng: Hiện 90% SGK lớp 2, lớp 6 đã chuyển về các địa phương. Nhiều địa phương đã nhận được, nhưng vẫn còn hiện tượng một số nơi, một số trường thiếu sách cục bộ. Với lượng sách đã chuyển về địa phương, nếu được tạo điều kiện, các đối tác phát hành của chúng tôi sẽ chuyển sách nhanh nhất tới các học sinh. 

. Với những học sinh vùng khó khăn, chưa thể nhận được sách giáo khoa bản giấy, NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp nào hỗ trợ những đối tượng này? Trên mạng xã hội hiện đang lan truyền các đường link sách giáo khoa điện tử, đó có phải là các bản sách mà NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp cho người học hay không?

- Ông Nguyễn Văn Tùng: Do tình hình vận chuyển khó khăn nên nhiều học sinh chưa tiếp cận SGK bản giấy. Nắm được nhu cầu đó, NXB đã đưa toàn bộ SGK lớp 1-12 bản mềm lên trang hanhtrangso. Với trang này, học sinh, giáo viên có thể sử dụng miễn phí phiên bản diện tử của SGK, NXB còn cung cấp cả phiên bản điện tử của cách bài tập, sách giáo viên để có tài liệu tham khảo xây dựng giáo án cũng như có thêm tài liệu để học tập. 

Hiện trên nhiều trang web, mạng xã hôi có nhiều đường link đưa các phiên bản điện tử SGK. Nhiều người hỏi chúng tôi đó có phải là SGK NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp hay không, chúng tôi xin thông tin là có đường link trôi nổi có cả những bản in thử, những phiên bản không kiểm soát được nội dung, nên không đảm bảo đúng SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Phụ huynh, học sinh nên thận trọng khi sử dụng những bản này vì SGK còn liên quan đến kiến thức  lãnh thổ, bản đồ, nếu không chính xác thì hậu quả sẽ nghiêm trọng... Việc đăng tải chưa có sự cho phép của NXB là sự vi phạm bản quyền đối với sách của NXB.

Tọa đàm Năm học mới trong đại dịch: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp - Ảnh 4.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao đổi tại tọa đàm cùng các vị khách mời

. Trước thông tin của NXB Giáo dục Việt Nam về các đường link được cho là SGK phiên bản điện tử trên mạng là không chính xác và vi phạm bản quyền, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động nhận định, SGK sẽ để lại hệ luỵ ghê gớm nếu sách không chính xác, chẳng hạn như lãnh thổ, lãnh hải. Tuy nhiên hiện nay các đường link đó đã lan khắp nơi, nhiều gia đình, phụ huynh đã tiếp cận thấy quá tiện lợi. Vậy hiện nay chúng ta xử lý thế nào để thông tin đến bạn đọc chính xác, và thực hiện đúng luật bản quyền? 

Ông Tô Đình Tuân đề nghị với NXB, Báo Người Lao Động sẽ là cầu nối, kết hợp với NXB Giáo dục Việt Nam chuyển tải thông tin chính xác đến phụ huynh, HS. Thông qua lượng tiếp cận bạn đọc rộng rãi, sức lan toả mạnh mẽ của Báo Người Lao Động, mỗi ngày có hàng triệu lượt truy cập. Bạn đọc, phụ huynh thông qua Báo Người Lao Động lấy thông tin sẽ vừa chính xác vừa không vi phạm bản quyền.

Phản hồi lại ý kiến của TS Tô Đình Tuân, ông Nguyễn Văn Tùng cảm ơn báo Người Lao Động đã đưa ra đề xuất rất hay và nếu làm được, sức lan toả của phiên bản SGK chính thống sẽ tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi sẽ thảo luận và chỉ đạo bộ phận chức năng của NXB kết nối với Báo Người Lao Động trong từng việc cụ thể để hai bên có thể tiến hành công việc có ý nghĩa này.

. Học sinh lớp 1 năm nay có lẽ là khó khăn nhất khi vừa không có thời gian được làm quen trường, lớp. Không được học trực tiếp và lại học theo chương trình mới. Sở GD-ĐT TP HCM hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể gì đối với việc dạy và học lớp 1 năm nay, bao gồm cả cách kiểm tra, đánh giá thế nào trong điều kiện học tập trực tuyến?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đối với lớp 1 học trực tuyến thế nào là một câu hỏi khó, nên ngay từ đầu, chúng tôi cho rằng, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, giáo viên rất quan trọng như tạo một không gian học tập và đồng hành cùng con. Trong 2 tuần đầu tiên (từ 8-9), GV sẽ chiếu các clip để hướng dẫn phụ huynh, chẳng hạn như cách đọc, cách viết trên giấy ô ly. Chúng tôi cũng chủ trương tập trung, tinh gọn kiến thức, tập trung 2 môn toán, tiếng Việt. Mục tiêu đánh giá ở lớp 1 theo từng chặng, chẳng hạn học viết thì biết viết, học đọc biết đọc… đặt ra mục tiêu cơ bản nhất để HS không áp lực. Thực tế, lâu nay chúng ta cứ nghĩ HS học lớp 1 thì GV phải cầm tay nhưng hiện nay các hướng dẫn trên clip rất cụ thể, như cách cầm bút thế nào, đường nét ra sao… rất dễ hiểu, phụ huynh cũng có thể giúp con được.

. Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2, lớp 6 sẽ được học chương trình- sách giáo khoa mới với những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học. Việc triển khai chương trình mới trong điều kiện hiện tại có gặp khó khăn gì và những giải pháp khắc phục, thưa PGS Nguyễn Xuân Thành?

- PGS Nguyễn Xuân Thành: Khi thực hiện chương trình mới, có những khó khăn nhất định do thày cô, học sinh có một số điều còn bỡ ngỡ. Các thày cô phải hướng dẫn học sinh tự học cao hơn, thiết kế bài dạy kỹ lưỡng hơn. Dạy trực tiếp đã vất vả, giờ lại chuyển đổi, chuyển sang trao đổi trực tuyến thày cô sẽ khó khăn hơn và phải trao đổi nhiều hơn. Rõ ràng việc ngồi trước máy tính giảng bài khác hẳn so với việc cho các thày cô so với dạy 40 học sinh trong lớp. Nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên giao cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy giúp phát triển các phẩm chất và năng lực tương ứng.

Chúng tôi mong muốn các thày cô nỗ lực hơn để thiết kế bài mạch lạc, giao cho học sinh những bài thật cụ thể, có thể chia sẻ học liệu của nhau và chúng tôi khuyến khích việc chia sẻ như vậy. Trong Thông tư 09 về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ về các điều kiện về dạy học trực tuyến, tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, đánh giá kết quả học tập của học sinh… cũng như các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến. Trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Bộ GD-ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

. Sáng nay con tôi đã rất cố gắng để tham gia phần mềm K12 online của nhà trường gửi nhưng rất chập chờn, thầy cô giáo cũng không thể vào được nên giờ học liên tục bị gián đoạn. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhận được phản ánh không và có giải pháp khắc phục như thế nào ạ? (Hoa Hồng, quận Phú Nhuận)

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Sở có mạng lưới là trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, cập nhật tình hình thường xuyên. Nên ngay sáng nay, sự cố quá tải đường truyền, sở đã nắm được ngay lập tức. Ngay khi nắm được thông tin, Sở GD-ĐT TP HCM đã trao đổi với Công viên Phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%. 

Sáng 6-9, cả triệu HS cùng vào học nên đây là tình huống chúng tôi đã lường trước và khắc phục ngay. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông để nâng cấp đường truyền theo hướng lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay mỗi trường học đều có 2 đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại. Thực tế, không phải ngày nào cũng online, thời gian tự học của HS cũng rất nhiều. Chúng tôi đã chỉ đạo tiết học online phải cô đọng, không như tiết dạy trực tiếp, có hướng dẫn trước tiết dạy nên HS không phải lúc nào cũng phải ngồi trên không gian mạng.

. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu không học sinh nào không được đến trường sau dịch vì khó khăn, đồng thời giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non. Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp nào để hỗ trợ học sinh cũng như giáo viên khó khăn?

- PGS Nguyễn Xuân Thành: Hỗ trợ học sinh, giáo viên khó khăn, cần chính sách đồng bộ của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành, trong đó có việc tăng cường hỗ trợ các học sinh vùng khó khăn bị ảnh hưởng của Covid-19, làm sao để các em có điều kiện thuận lợi nhất phục vụ học tập như có SGK và các điều kiện cần thiết khác. Đối với các địa phương, Bộ rất mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện học tập đúng với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học.

. Nhiều tỉnh thành đã có chính sách miễn phí cho học sinh trong năm học này, tại TP HCM, chủ trương miễn giảm học phí cho học sinh cụ thể như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Mới đây UBND TP HCM đã đồng ý về chủ trương trên cơ sở đề xuất của Sở GD-ĐT TP HCM về miễn học phí học phí học kỳ I cho toàn bộ HS từ mầm non đến trung học, bao gồm cả hệ ngoài công lập. Mức học phí được miễn ở các trường ngoài công lập bằng khung mức học phí các trường công lập. Chẳng hạn như học phí ở bậc THPT hiện nay 120.000 đồng/tháng thì sẽ miễn ở trường ngoài công lập với mức cùng như vậy. Việc miễn học phí này căn cứ khung học phí các trường công chứ không phải khung học phí các trường ngoài công lập xây dựng.

Tọa đàm Năm học mới trong đại dịch: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp - Ảnh 5.

Các đại biểu tham dự chương trình tọa đàm về chủ đề "Năm học mới trong đại dịch"

. Việc kiểm tra đánh giá quá trình học trực tuyến của học kỳ này sẽ như thế nào? Những thay đổi về thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT sẽ ra sao thưa đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo? (Tuấn Anh, Gò Vấp)

-PGS Nguyễn Xuân Thành: Trong Thông tư 22 Bộ mới ban hành gần đây để áp dụng cho chương trình mới, có 4 bài kiểm tra định kỳ trong năm, trong đó hai bài cho một học kỳ là bài giữa kỳ và cuối kỳ. Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính. Với bài kiểm tra trên máy tính nhà trường xây dựng ma trận đề thi để ra đảm bảo đề thi khách quan minh bạch, trung trực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Trong trường hợp nếu có kết quả bất thường, nếu học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, tôi cho khá làm minh bạch. 

Quan trọng nhất là các nhà trường ra đề làm sao đảm bảo được tinh thần này. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh của hỏi đáp của thày cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em. Đó chính là tinh thần của đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Tuỳ theo môn học và đặc thù của môn học, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức như vậy để vừa phù hợp với môn học, vừa phù hợp với tinh thần dạy học trực tuyến. Điều quan trọng ở đây không phải học sinh được bao nhiêu điểm mà là qua đây thúc đẩy được việc dạy học và giúp học sinh tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là phẩm chất trung thực. 

Có người hỏi tôi về vấn đề này. Câu trả lời của tôi là bố mẹ phải làm sao nhìn thấy tương lai của con, còn nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá này thì vô hình trung lợi bất cập hại. Chúng tôi rất muốn nhắn nhủ các bậc cha mẹ học sinh về điều này.

Việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp vẫn thực hiện theo quy định chung của Bộ. Hình thức thi chỉ là một chuyện, quan trọng là nội dung thi. Tinh thần là từng bước đổi mới đề thi sao cho đề thi đó không phải là đề thi kiểm tra kiến thức mà là đề thi đánh giá phẩm chất, năng lực của người học. Có người hỏi tôi sự khác nhau đó là gì. Câu trả lời là nếu kiểm tra kiến thức thì chỉ sử dụng kiến thức đó làm bài tập, còn đánh giá năng lực là sử dụng kiến thức đó để giải quyết những vấn đề đó trong thực tiễn, như thế mới đúng mục tiêu đặt ra.

. Phát biểu tổng kết toạ đàm, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chia sẻ ngày 31-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức khai giảng và chuẩn bị năm học mới. Hôm qua, ngày 5-9, nhiều tỉnh, thành phổ trong cả nước đã tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Đây cũng là một trong những buổi khai giảng đặc biệt nhất từ trước đến nay, khi phần lớn các tỉnh, thành phổ tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Đặc biệt tại TP HCM, lễ khai giảng được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình TP HCM. Có thể nói đây là sự kiện lịch sử. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức khai giảng mà ở nhiều trường chỉ có cô hiệu trưởng và bục phát biểu, sân trường không có học sinh. Nhưng trong điều kiện lịch sử thì chúng ta cũng ứng xử một cách lịch sử, đó là mặc dù phía trước không có học sinh nào nhưng qua không gian trực tuyến có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu HS, phụ huynh đang dõi theo. 

Có thể nói rằng công tác dạy và học ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng do dịch bệnh, nhưng chúng ta cũng thấy một điều rằng đây là điều bất khả kháng và chúng ta phải chấp nhận đương đầu với sự thật kể cả thiệt hại mất mát chia ly như nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ. Có những hoàn cảnh rất thương tâm, có những gia đình qua một cơn đại dịch mất cả bố, cả mẹ, thậm chí mất cả bố mẹ, các em thành trẻ mồ côi, bơ vơ. 

Nhưng xã hội không bỏ rơi các em, ngành giáo dục chắc chắn cũng không bỏ rơi các em mà sẽ chăm lo cho các em một tương lai tốt đẹp, sự nghiệp học hành tốt đẹp như bao em HS khác trong xã hội chúng ta. 

Mới đây, trong bức thư gửi học sinh nhân dịp đầu năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ đối với ngành giáo dục, cùng toàn thể HS, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới vào tháng 10-1968. Lời Bác dạy là: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Chúng tôi nghĩ rằng lời dạy của Bác còn có giá trị đến muôn đời về sau. Trong bất cứ khó khăn nào ngành GD cũng tiếp tục vươn lên, HS tiếp tục nỗ lực vượt qua để có tri thức tốt nhất trong hành trang cuộc đời của mình. 

Bước vào năm học mới, nhiều học sinh, phụ huynh hết sức lo lắng, băn khoăn. Các thầy, cô giáo cũng không khỏi bỡ ngỡ trước các phương thức học tập mới mà trước đây dù trí tưởng tượng bay bổng thế nào cũng không nghĩ ra được. Vì đây là sự kiện bất khả kháng buộc chúng ta phải đổi mới, thay đổi hoàn toàn phương thức sống, phương thức học tập, phương thức làm việc. Hiện nay, phần hớn các trường đang chuyển đổi hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Nhưng làm sao để quá trình học tập, tiếp thu của HS không bị ảnh hưởng là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm. Các vấn đề về SGK điện tử, bài giảng trực tuyến làm sao để HS tiếp cận trong thời điểm giãn cách, vấn đề học phí năm học mới thế nào khi dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống kinh tế rất nhiều gia đình, đặc biệt ở vùng tâm dịch như TP HCM, các tỉnh phía Nam… Tất cả điều đó đã được các thầy tham dự buổi toạ đàm trực tuyến hôm nay giải thích cặn kẽ với các em HS, phụ huynh. 

Trước tình hình đó, để chung tay cùng ngành giáo dục, dù lịch trình nhiều nhưng Báo Người Lao Động vẫn quyết định tổ chức toạ đàm “Năm học mới trong đại dịch” với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam… để thông tin đến các phụ huynh, học sinh. 

Có thể nói, buổi toạ đàm không dài nhưng nhiều thông tin mới, thiết thực để giải toả những băn khoăn mà lâu nay chưa có câu trả lời. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cảm ơn sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam và đơn vị đồng hành đã tham gia buổi toạ đàm. 

Tiến sĩ Tô Đình Tuân cũng cho biết, phụ huynh nếu còn những thắc mắc cứ gửi câu hỏi về Báo Người Lao Động, báo sẽ là cầu nối gửi đến các chuyên gia của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT... để giải đáp ý kiến, trăn trở của phụ huynh. "Buổi toạ đàm cũng mở ra nhiều vấn đề, như thoả thuận bước đầu của Báo Người Lao Động và NXB Giáo dục Việt Nam. Dù mới là thoả thuận bước đầu nhưng chúng tôi nghĩ việc mình làm nếu thành công sẽ có ích cho phụ huynh, học sinh, nhất là trong điều kiện giãn cách hiện nay", TS Tô Đình Tuân đúc kết. 

Yêu thương, giúp đỡ học trò ở thời khắc khó khăn này

Gửi gắm đến đội ngũ thầy cô giáo trong năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ, mong đội ngũ thầy cô của TP vượt qua khó khăn, yêu thương và giúp đỡ học trò. Hiện nay, có những em HS còn trong khu cách ly, đang điều trị bệnh, thậm chí có em không còn người thân bên cạnh. Ngành GD-ĐT TP mong đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo chia sẻ, yêu thương và động viên các em. “Thay mặt ngành GD-ĐT TP, tôi xin cảm ơn các thầy cô. Các thầy, cô vừa tham gia chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong một năm học rất nhiều khó khăn” - Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM nhắn nhủ tại tọa đàm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo