H’Hoài Byă hiện là sinh viên năm 3 ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Tây Nguyên - là một trong những sinh viên đang được bảo trợ toàn phần.
Trường ĐH Tây Nguyên tổ chức trao tặng học bổng hỗ trợ sinh viên
Chia sẻ với chúng tôi, H’Hoài Byă cho biết gia đình em có 6 anh em. Năm em đang học lớp 12 thì người mẹ yêu quý đột ngột qua đời. Khi nỗi buồn chưa vơi, 1 năm sau, người cha của em cũng qua đời do lâm trọng bệnh.
Sau khi cha mẹ mất, nợ nần chồng chất nên ước mơ trở thành bác sĩ trở nên xa vời đối với H’Hoài Byă. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vượt lên chính mình, sự động viên của người thân, H’Hoài Byă đã bước chân lên con đường thực hiện ước mơ.
Dù biết trước rất khó khăn nhưng vì ngành học cần rất nhiều tài liệu, lịch học dày đặc, H’Hoài Byă không còn thời gian để làm thêm nên khó khăn chồng chất. May mắn thay, em đã được nhận học bổng "bảo trợ chiều sâu" giúp em viết tiếp câu chuyện cổ tích của đời mình.
"Ước mơ của em là trở thành một bác sĩ để cứu người. Đặc biệt là những người nghèo, không có tiền để họ không phải trải qua cảnh tượng bất lực trước cái chết của người thân như em" - H’Hoài Byă xúc động.
Chương trình Moto học bổng trao tặng 40 suất học bổng cho sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên
Chiều 29 Tết, khi chúng tôi liên hệ, em Điểu Thị Nhì, sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm - Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết đang đi làm thêm để kiếm tiền học tập. Gia đình em Nhì ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Mẹ mất sớm, nhà đông anh chị em, cha bị bệnh thận lâu năm nên hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi nhập học, em đã xin nhà trường cho em nghỉ một thời gian để đi làm kiếm tiền nhập học và phụ giúp gia đình.
Cũng theo nữ sinh viên năm nhất, hiện em chỉ được nhận gói học bổng 6 triệu đồng/năm chứ chưa được bảo trợ toàn phần như một số anh chị. Dù vậy, theo em thì đây là số tiền rất lớn, nếu không có nó thì con đường học vấn của em sẽ vô vàn khó khăn.
"Với em, đó là cả một tài sản lớn, em sẽ cố gắng chi tiêu tiết kiệm để phục vụ hiệu quả cho việc học tập" - Điểu Thị Nhì xúc động và cho biết thêm sau khi tốt nghiệp, em sẽ quay về dạy những em bé dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa ở quê nhà.
Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Long Sài Gòn, cho biết xuất phát từ quan điểm "đầu tư vào giáo dục là quốc sách" và hiện nay việc đầu tư cho đời sống của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế, cần sự chung tay góp sức của toàn dân và doanh nghiệp, nên ông đã chọn lĩnh vực giáo dục để làm công tác từ thiện xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Châu bảo trợ toàn phần cho em H’Hoài Byă
Thông qua Chương trình Moto học bổng và là một cựu sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên, ông Châu quyết định bảo trợ toàn phần cho H’Hoài Byă. H’Hoài Byă được nhận bảo trợ toàn phần bao gồm chi phí ăn uống, ở và học phí... trong suốt thời gian theo học tại trường. Chưa kể, sau khi tốt nghiệp đại học, nếu H’Hoài Byă có nguyện vọng học cao học hoặc chuyên khoa thì ông Châu vẫn tiếp tục bảo trợ toàn phần.
"Dù mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng em H’Hoài Byă vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường và là sinh viên 5 tốt" - ông Châu chia sẻ.
Xin nghỉ học 1 tháng để kiếm tiền!
Tiến sĩ Phạm Trọng Lượng, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết nhà trường luôn quan tâm và tìm các nhà tài trợ để giúp đỡ các sinh viên khó khăn. Năm học 2020 -2021, chương trình Moto học bổng đã trao tặng 40 suất học bổng cho sinh viên của trường. Trong đó, có 4 sinh viên mồ côi, gia đình cực kỳ khó khăn đã được bảo trợ toàn phần.
"Chúng tôi đồng cảm và khâm phục ý chí vươn liên của các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như em Điểu Thị Nhì, vào đầu năm học em tới nộp hồ sơ và xin nhà trường nghỉ học 1 tháng để đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống và nhà trường cũng đã tạo điều kiện tối đa" - thầy Lượng xúc động.
Bình luận (0)